Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ được phân kỳ đầu tư

Lộ trình dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam dự kiến theo Tờ trình Quốc hội sẽ được phân kỳ đầu tư.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ được phân kỳ đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ được phân kỳ đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tin trên được ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI - đơn vị lập dự án cao tốc Bắc - Nam) cho biết.

Theo đó, từ năm 2017 - 2020 ưu tiên đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 118.716 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn (Thừa Thiên -Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) lên thành quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau 2025 sẽ đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ – Tp. Cà Mau.

“Việc lựa chọn các đoạn tuyến ưu tiên đầu tư trước trong giai đoạn 2017 - 2020 được căn cứ trên cơ sở nhu cầu vận tải và quy hoạch được phê duyệt để đảm bảo hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn lực, không phân biệt yếu tố vùng miền”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết, hiện nay, Quốc lộ 1 đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải đến khoảng 35.000 xe con quy đổi/ngày đêm. Theo tính toán, nếu không đầu tư đường bộ cao tốc thì đến khoảng năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt khoảng 42.100 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến Quốc lộ 1.

Đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con quy đổi/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến Quốc lộ 1.

Đáng chú ý, trong Tờ trình 487 của Chính phủ (Tờ trình chính thức), đoạn tuyến Cần Thơ – Tp. Cà Mau dài 150km được dự kiến đầu tư và đưa vào khai thác theo quy mô đường cao tốc sau năm 2025 để đáp ứng nhu cầu vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nội dung mới so với Tờ trình 244 của Chính phủ gửi đến Quốc hội ngày 30/5/2017.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326 ngày 1/3/2016, đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ – Tp. Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam dài 150 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 28.500 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, hiện nay, trên hành lang vận tải từ Cần Thơ – Tp. Cà Mau có 2 tuyến song hành gồm: Quốc lộ 1 và đường Quản Lộ - Phụng Hiệp. Theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải trên đoạn Cần Thơ – Tp. Cà Mau, đến năm 2020 là khoảng 18.570 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm, đến năm 2025 khoảng 22.558 xe con tiêu chuẩn/ngày/đêm. Với năng lực Quốc lộ 1 và đường Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện tại có thể đáp ứng khoảng 27.800 - 30.600 xe con tiêu chuẩn/ngày/đêm.

Hiện tại, 3 tuyến đường khác theo quy hoạch đang được đầu tư. Cụ thể, tuyến cao tốc phía Tây (tuyến N2 trùng với đường Hồ Chí Minh), theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326 ngày 1/3/2016, tuyến N2 có quy mô 4 làn xe cao tốc, kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang.

“Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đầu tư và thi công các dự án thành phần cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đoạn nối 2 cầu với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 19.445 tỷ đồng, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 6.694 tỷ đồng”, ông Sơn chia sẻ.

Tiếp theo là trục dọc ven biển phía Nam, gồm Quốc lộ 50 nối từ Tp.Hồ Chí Minh qua Long An và kết thúc tại Tiền Giang (Tp. Mỹ Tho) và Quốc lộ 60 nối từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh và kết thúc tại Sóc Trăng. Các tuyến này đang từng bước được đầu tư nâng cấp, đặc biệt đã hoàn thành một số cầu lớn trên tuyến như: Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên và Mỹ Lợi.

Hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đang kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 để nối thông 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Cuối cùng là tuyến N1 kết nối với hệ thống đường hành lang biên giới từ Quốc lộ 14C tại khu vực Lộc Tấn (Bình Phước) và kết thúc tại Hà Tiên (Kiên Giang). Đây là tuyến trục dọc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới Tây Nam.

Toàn tuyến có chiều dài 235km, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng khoảng 63 km, quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Còn lại khoảng 172 km đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đang cân đối nguồn vốn để triển khai thi công.

Đối với đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, theo tính toán nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu phương án đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cân đối nguồn vốn để đầu tư vào khoảng năm 2025.

Trước mắt, để nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, Chính phủ đã có chủ trương báo cáo Quốc hội bố trí khoảng 900 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để đầu tư cải tạo, nâng cấp phần mặt đường và một số công trình thuộc tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Tờ trình của Chính phủ về “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020” vừa gửi đến Quốc hội cho biết, theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau với chiều dài 2.109km.

Trong đó, đoạn Hà Nội - Lạng Sơn dài 167km, gồm 60km đã hoàn thành đưa vào khai thác (đoạn vành đai 3 từ cầu Phù Đổng - Pháp Vân và đoạn cầu Phù Đổng - Bắc Giang). Còn lại 107km (đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn và Tp. Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị) đã và đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, gồm: 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng (654 km), 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP và 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.

Còn lại, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng gồm: vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

Đối với đoạn Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh dài 1.622km đã và đang đầu tư xây dựng 250km theo quy mô cao tốc, còn lại khoảng 1.372km cần đầu tư; trong đó, có 1.291km đầu tư mới và 81 km mở rộng từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe. Cùng với đó, tuyến đường bộ cao tốc Tp.Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 170km gồm Long Thành - Bến Lức (55km), Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương (40 km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (24km) và cầu Mỹ Thuận đã và đang được đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2020.

Còn lại, đoạn Cần Thơ – Tp. Cà Mau dài 150km và cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km cần phải đầu tư để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.