Dự án đường Hồ Chí Minh: Cấp thiết thông tuyến qua Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án đường Hồ Chí Minh triển khai hơn 20 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện đồng bộ do nguồn vốn bố trí chưa đáp ứng. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc Dự án có vai trò quan trọng đối với giao thông khu vực đang chờ vốn, trong khi đoạn đường hiện hữu ngày càng xuống cấp.
Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận là một trong 3 đoạn thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh chưa được sắp xếp vốn. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận là một trong 3 đoạn thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh chưa được sắp xếp vốn. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 3.183 km, được khởi công xây dựng năm 2000. Do là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội nên Dự án được ưu tiên sắp xếp vốn đầu tư công để triển khai đồng bộ.

Nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến là 88.400 tỷ đồng, đến nay đã huy động được 62.316 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2021 - 2025, đã bố trí 11.791 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của Dự án sẽ nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe từ điểm đầu Pắc Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau) vào năm 2020. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay Dự án đã chậm tiến độ 2 năm. Nguyên nhân là số vốn bố trí hiện vẫn chưa đủ để giúp Dự án về đích. Cụ thể, đến nay, đường Hồ Chí Minh còn 3 đoạn chưa được sắp xếp vốn gồm: đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (tỉnh Thái Nguyên); đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (tỉnh Phú Thọ) và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (qua 2 tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang). Cả 3 đoạn này có tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư 10.770 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tuyến đường Hồ Chí Minh có vai trò rất lớn đối với hệ thống giao thông của địa phương. Đường Hồ Chí Minh sẽ kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 63, Quốc lộ 80, đặc biệt là tuyến đường hành lang ven biển phía Nam giúp tăng kết nối khu vực, liên vùng. Hiện đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận cấp thiết phải đầu tư do đây là đoạn đường hẹp và đang xuống cấp trầm trọng.

Nhu cầu vốn để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh là 88.400 tỷ đồng, đến nay đã huy động được 62.316 tỷ đồng. Đối với giai đoạn 2021 - 2025, đã bố trí 11.791 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước.

Tỉnh Kiên Giang sẽ huy động hơn 26.800 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025, tập trung vào các công trình, dự án giao thông đường bộ trọng điểm trên địa bàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông khu vực. Đặc biệt, Dự án Công trình xây dựng đường bộ ven biển Hòn Đất - Kiên Lương với tổng mức đầu tư khoảng 1.480 tỷ đồng đã được triển khai nhằm đồng bộ với tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Bạc Liêu đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch như Đường tỉnh 980, tuyến Phước Long - Phó Sinh - Cạnh Đền, tuyến Giá Rai - Phó Sinh, tuyến đường ven biển… Dự án đường Hồ Chí Minh qua Bạc Liêu được hoàn thiện sẽ sớm đồng bộ mạng lưới kết nối giao thương cho địa phương.

Để phát triển hệ thống giao thông trong khu vực, Bộ Giao thông vận tải đã giao đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu chạy song song với Quốc lộ 80 hiện hữu để kết nối với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên; Dự án Nâng cấp tuyến N1 qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; Dự án Xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 63 qua đô thị Thứ Bảy và thị trấn Thứ Ba và dự kiến đưa các dự án này vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực để đến năm 2025 hoàn thành đầu tư các đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận nhằm nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Để gỡ vướng về nguồn vốn, trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cần rà soát và sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đối với nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cần hoàn thiện thủ tục hồ sơ, tập trung cao độ để tổng hợp, không xé lẻ dự án.

Tin cùng chuyên mục