Dự án đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng đã được cấp và giải ngân hết số vốn 2.475 tỷ đồng . Ảnh: Đỗ Phương |
Mọi thứ đều thông suốt
Dự án đang được các nhà thầu tập trung thi công những phần việc cuối. Dự kiến, Dự án có thể chính thức hoàn thành, bàn giao vào ngày 31/12/2016.
Theo ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng (Ban QLDA), mốc tiến độ trên là hoàn toàn khả thi. Hiện nay, toàn Dự án đã hoàn thành trên 75% khối lượng công việc. Các nhà thầu chỉ còn tập trung vào việc thi công.
Cụ thể, phần xây dựng cầu với tổng chiều dài 3,847km, bao gồm các cầu lớn (sông Hốt, sông Chanh, sông Rút) và cầu vượt sông Bình Hương, đã cơ bản hoàn thành.
Trong đó, cầu Sông Hốt đã xong toàn bộ kết cấu mố trụ, đang đúc và lao dầm, tổng giá trị thực hiện đến nay là trên 485/752 tỷ đồng (64,5%). Cầu sông Chanh hiện cũng xong toàn bộ trụ cầu và đang dỡ tải thi công hai mố, lao lắp dầm và đổ mặt cầu, tổng giá trị thực hiện đạt 715/889 tỷ đồng (80,4%).
Riêng đối với cầu sông Rút đã hợp long dầm đúc hẫng, đang lao lắp các nhịp dẫn, tổng giá trị thực hiện đạt 407/506 tỷ đồng (80,4%)...
Bên cạnh đó, phần đường với tổng chiều dài 16,352km, Ban QLDA cho biết, tại đoạn từ đầu tuyến đến cầu sông Hốt, nhà thầu đã lắp dựng xong trạm trộn bê tông nhựa (BTN) và tập kết vật liệu, trong tháng 11/2016 thi công thử bê tông nhựa rỗng (BTNR) C25…
Cùng với đó, các cầu vượt nút giao gồm cầu vượt Phong Hải (tuyến chính) và các cầu vượt qua đường cao tốc, hiện cũng đang được lao lắp dầm và đổ bê tông mặt cầu. Theo Ban QLDA, đến 31/12/2016 sẽ xong toàn bộ các cầu.
Khó khăn ở gói thầu lớn
Tuyến đường này sau khi hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông liên vùng, phát huy lợi thế thu hút đầu tư, tạo động lực mang tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, trước đó tại Dự án đã xuất hiện không ít khó khăn về công tác GPMB, vốn..., khiến nhiều gói thầu không thực hiện được theo tiến độ cam kết với chủ đầu tư.
Đặc biệt, không ít vướng mắc đã xẩy ra với gói thầu lớn nhất trong 7 gói thầu xây lắp của Dự án, Gói thầu XL-02 (thi công đoạn từ cầu sông Chanh đến cầu sông Rút), với giá trị hợp đồng lên đến gần 1.500 tỷ đồng. Gói thầu này do doanh nghiệp Xuân Trường thi công.
Tại Gói thầu XL-02, qua kiểm tra hiện trường vào tháng 9/2015, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đánh giá, tiến độ thi công của nhà thầu là rất chậm so với kế hoạch, gây ảnh hưởng chung đến tiến độ toàn Dự án. Theo chủ đầu tư, lý do là bên cạnh việc gặp khó khăn trong thay đổi thiết kế một số đoạn tuyến cho phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thì còn do nhà thầu thiếu kỹ sư, do đó không đủ năng lực để điều hành, chưa kể biện pháp thi công không hợp lý.
Để đảm bảo tiến độ chung, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải yêu cầu chủ đầu tư là Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo nhà thầu, lập kế hoạch tiến độ thi công đối với từng hạng mục gói thầu; tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực; đẩy nhanh thi công...
Ông Toàn cho biết, vốn cấp đến tháng 10/2016 đạt 2.475 tỷ đồng, trong đó năm 2016 cấp 865 tỷ đồng và đã giải ngân hết. Với khối lượng công việc lớn đã đạt được, Dự án hoàn toàn có thể về đích vào cuối năm 2016.