Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình): Chậm tiến độ, “đội” vốn nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4/2017 và dự kiến hoàn thành trong quý II/2022, đến nay, Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng vẫn chưa thể "cán đích" do vướng mặt bằng và nguồn vốn. Mới đây, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng tổng mức đầu tư, gia hạn hoàn thành đến năm 2026 nhằm phù hợp với điều kiện triển khai thực tế.
Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng được phê duyệt tăng tổng mức đầu tư lên 4.128 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng được phê duyệt tăng tổng mức đầu tư lên 4.128 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Theo chủ trương ban đầu, Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng có tổng mức đầu tư 3.115 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm Chủ đầu tư Hợp phần xây dựng công trình đầu mối hồ chứa; UBND huyện Lạc Sơn làm Chủ đầu tư Hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư.

Quy mô Dự án bao gồm: hồ chứa nước có dung tích khoảng 95 triệu m3, với các hạng mục: đập ngăn sông, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ nằm trên địa phận xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình; hệ thống đường ống cấp nước nằm trên địa phận các huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1 cho biết, Dự án đã hoàn thành xây dựng các điểm tái định cư, đường tránh ngập, đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng điểm tái định cư xóm Đá Mới tại khu Đồng Xe (có 64 hộ dân tái định cư). Số hộ dân đã chuyển lên 7 điểm tái định cư còn lại là 424/492 hộ.

Về công tác GPMB, tính đến tháng 7/2023, UBND huyện Lạc Sơn đã giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao, tương ứng gần 785 tỷ đồng, với tổng diện tích đất thu hồi là 670,39 ha.

Về tiến độ thi công, Gói thầu số 17 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối được trao cho Liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 - Công ty CP Sông Đà 9 - Trung tâm Công nghệ phần mềm thủy lợi - Công ty CP Đầu tư DTC từ tháng 5/2019, với giá trúng thầu 608,27 tỷ đồng. Đến nay, Liên danh đã hoàn thành đắp đập đất với khối lượng 2.670.000/3.590.000 m3; hoàn thành khối lượng đổ bê tông gia cố mái thượng lưu từ mặt cắt CN01 đến mặt cắt CN11 và từ mặt cắt CN17 dẫn CN21 tới cao trình thiết kế với khối lượng thực hiện 12.800/14.200 m3; cơ bản mua sắm và lắp đặt các thiết bị quan trắc vào tuyến đập chính, đập phụ và tràn xả lũ theo tiến độ thi công thủy công các hạng mục... Giá trị thực hiện từ thời điểm khởi công đến tháng 7/2023 đạt 628,487 tỷ đồng.

Đề cập nguyên nhân điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1 là do tăng chi phí đền bù, GPMB công trình đầu mối và hệ thống dẫn nước.

Theo đó, tại khu vực đầu mối, phương án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư đã được tính toán, thiết kế chi tiết, nhưng do thay đổi về chế độ, chính sách (điều chỉnh đường tránh ngập và các điểm tái định cư để phù hợp thực tế, bổ sung kinh phí chuyển đổi nghề và bồi thường phần đất sản xuất còn lại, đơn giá đền bù đất, tài sản tăng...) dẫn đến kinh phí GPMB tăng 474 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu (từ 1.059 tỷ đồng lên 1.533 tỷ đồng).

Theo cam kết của UBND tỉnh Hòa Bình, Tỉnh sẽ thực hiện trong phạm vi nguồn vốn được bố trí và sẽ bố trí ngân sách địa phương nếu phát sinh kinh phí. Tuy nhiên, do các điều kiện khó khăn nên Tỉnh không có khả năng bố trí vốn để thực hiện như đã cam kết. Tỉnh đã có các văn bản đề nghị xem xét bổ sung vốn từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với hệ thống đường ống dẫn nước, chi phí thực hiện tăng khoảng 202 tỷ đồng do phải điều chỉnh chi tiết và tối ưu một số giải pháp kỹ thuật, xử lý kỹ thuật; điều chỉnh, bổ sung khối lượng.

Ngoài ra, Dự án bị “đội” vốn do bổ sung hạng mục chỉnh trang mặt bằng cụm công trình đầu mối nhằm chống xói mòn, tạo cảnh quan nâng cao giá trị công trình về mặt mỹ thuật, thuận lợi khai thác du lịch; điều chỉnh công tác tư vấn, quản lý dự án và các chi phí khác để hoàn thiện Dự án dẫn tới làm thay đổi cơ cấu tổng mức đầu tư. Cũng vì thiếu vốn, thay đổi, điều chỉnh nhiều hạng mục dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện Dự án.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ NN&PTNT, mới đây, Dự án được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 3.115 tỷ đồng lên 4.128 tỷ đồng (tăng 1.013 tỷ đồng), đồng thời gia hạn hoàn thành đến năm 2026.

Tại buổi khảo sát thực địa Dự án cuối tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, thời gian tới, cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ trong công tác chặn dòng; hoàn thiện các thủ tục bắt buộc về chuyển đổi rừng; thực hiện di dời, GPMB, xây dựng các điểm tái định cư cho các hộ dân còn lại; hoàn thành tuyến đường tránh ngập… Đối với các tuyến kênh, lập kế hoạch đến ngày 30/6/2026 phải hoàn thành theo đúng tiến độ.

Tin cùng chuyên mục