Dự án mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên: Tiến thoái lưỡng nan

Việc các bộ, ngành và các bên liên quan có quan điểm khác nhau trong việc tiếp tục triển khai Dự án mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên ra sao, có thể khiến dự án này lâm vào thế lưỡng nan.
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên
Nhà máy Gang thép Thái Nguyên

Chuyện Thái Nguyên

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) - đơn vị nắm 42,11% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cho biết, VNSteel vẫn giữ vững quan điểm như đã báo cáo Bộ Công thương là tiếp tục đầu tư Dự án. Tuy nhiên, nếu như Dự án không có được cơ chế thuế và ưu đãi như kiến nghị thì nên dừng luôn.

“Tại Nghị quyết 64/2014/NQ-CP, Chính phủ đồng ý với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án nêu tại Báo cáo số 88/BC-BCT ngày 26/8/2014 của Bộ Công thương; ủy quyền Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án. Theo kế hoạch, các bộ, ngành phải đưa phương án cụ thể trong 4 tháng. Tuy nhiên, tới tháng 3/2016, các bộ, ngành mới có ý kiến. Như vậy, mất 1 năm rưỡi trôi qua nên tiền vốn vay, phát sinh tính toán lại mới lên tới 9.000 tỷ đồng. Vì vậy, nếu giờ không làm theo con số đó thì rất khó khăn”, ông Đa nói.

Như phản ảnh trước đó của Báo Đầu tư Online - Baodautu liên quan đến dự án này, trong tháng 3/2016, Tisco, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đều đã có ý kiến góp ý cho dự án này với quan điểm khá trái chiều. Trong khi Bộ Công thương ủng hộ các đề nghị của Tisco và kiến nghị cho phép Dự án được hưởng một số ưu đãi về miễn giảm thuế, thì Bộ Tài chính lại bác bỏ và cho rằng những ưu đãi này vượt khung quy định hiện hành.

Ông Đa cho hay, nếu dừng Dự án thì đúng là hậu quả sẽ rất nhiều và hậu họa để lại cho Tisco, kéo theo là VNSteel cùng các nơi có liên quan trực tiếp như ngân hàng là rõ. Đó là chưa kể không tránh khỏi những kiện tụng với các đối tác mà chưa biết hồi kết, điểm dừng. Ngoài ra, các vấn đề xã hội liên quan cũng chưa tính toán được.

“Nhưng chúng tôi cũng cho rằng, cần có phương án cho phá sản hay tái cơ cấu, để các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực nhảy vào giải cứu Dự án. Dĩ nhiên, việc thu hút được nhà đầu tư tư nhân còn phụ thuộc vào cơ chế hỗ trợ, giải pháp cụ thể”, ông Đa nói và cho biết thêm, cần phải đối mặt với khó khăn và tìm giải pháp rõ ràng cho Dự án.

Bộ Công thương nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn một cách tổng thể cho Dự án vào thời điểm này là rất cần thiết. Bởi khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ tạo ra hơn 1.300 việc làm mới, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng trên 1.412 tỷ đồng/năm và đóng góp cho ngân sách trên 779 tỷ đồng/năm.

Chuyện ngành thép thế giới

Thời điểm này, ngành thép thế giới đã ghi nhận những thất bại trong nỗ lực đạt được thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước sản xuất thép lớn về vấn đề dư thừa công suất, nhằm giải quyết khủng hoảng toàn cầu. Theo Reuters, cuộc gặp do Bỉ và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là chủ nhà giữa các quan chức và bộ trưởng thương mại của hơn 30 nước diễn ra đầu tuần trước đã không có kết quả cụ thể nào.

"Trừ khi Trung Quốc bắt đầu thực thi các hành động mạnh mẽ, cụ thể và kịp thời để giảm sản lượng dư thừa trong các ngành công nghiệp, bao gồm ngành thép, nếu không vấn đề dư thừa công suất trong ngành thép sẽ vẫn còn đó và các chính phủ bị thiệt hại, bao gồm Mỹ, sẽ không có sự lựa chọn nào khác, ngoài sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa và công nhân của mình khỏi bị tổn hại", Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Penny Pritzker và Đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman tuyên bố.

OECD cho biết, công suất sản xuất thép toàn cầu là 2,37 tỷ tấn trong năm 2015, nhưng năm 2015, thế giới chỉ sử dụng 67,5%, giảm so với 70,9% hồi năm 2014. Với riêng Vương quốc Anh, việc Tata Steel công bố kế hoạch rút lui khỏi nước này đang đe dọa đến 15.000 việc làm. Tuần trước, hơn 40.000 công nhân làm việc trong ngành thép của Đức đã xuống đường biểu tình phản đối việc bán phá giá thép từ Trung Quốc.

Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép đứng đầu thế giới, đã tăng lượng thép xuất khẩu trong những năm gần đây. Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 3/2016 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015, lên 9,98 triệu tấn, bất chấp một loạt biện pháp chống bán phá giá trên khắp toàn cầu. Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, nước này đã cắt giảm sản lượng 90 triệu tấn và cũng có những kế hoạch để cắt giảm thêm 100-150 triệu tấn nữa. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của Trung Quốc vẫn đạt xấp xỉ 1 tỷ tấn/năm.