Theo Bộ Quốc phòng thì việc bàn giao đất để thực hiện Dự án Nhà ga T3 có nhiều vướng mắc. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc ACV, cho biết, theo trình tự đất Bộ Quốc phòng giao cho TP.HCM, sau đó Thành phố giao cho Cảng vụ Hàng không và cơ quan này mới giao lại cho ACV để thực hiện Dự án. Các khâu chuẩn bị cho kế hoạch khởi công Nhà ga T3 đã được ACV chuẩn bị theo đúng kế hoạch. Hiện tại, Gói thầu Thi công phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình đã lựa chọn xong nhà thầu. Liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Tổng công ty Xây dựng số 1 sẵn sàng thi công ngay khi có mặt bằng. Phần thân Nhà ga sẽ hoàn tất hồ sơ thiết kế trong tháng 9/2022 và có thể tiến hành lựa chọn nhà thầu xây lắp ngay khi hồ sơ này được phê duyệt. Tuy nhiên, ACV vẫn phải chờ mặt bằng.
Ông Bình thông tin thêm, Quân chủng Phòng không - Không quân có kế hoạch họp với UBND TP.HCM bàn phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng Nhà ga T3. Theo đó, hàng loạt thủ tục như kiểm đếm, xác định tài sản, lập hội đồng đền bù GPMB, áp giá và lên chi phí đền bù, lập và phê duyệt dự toán, xác định nguồn kinh phí GPMB… cần được bàn thảo, thống nhất. Ngoài ra, quân đội cũng cần thời gian xây mới và di dời doanh trại. Sau khi hoàn tất, TP.HCM mới lập thủ tục thu hồi đất, bổ sung quy hoạch đất địa phương. Các khâu thủ tục trên đều phải tiến hành đúng quy định pháp luật, không thể làm tắt, nên sẽ cần thêm thời gian.
Trước đó, theo Bộ Quốc phòng thì việc bàn giao đất để thực hiện Dự án Nhà ga T3 có nhiều vướng mắc. Cụ thể, các khu đất khoảng 16,05 ha xây dựng Nhà ga T3 và diện tích khoảng 11,89 ha xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa chưa được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối theo phương án chuyển giao đất quốc phòng cho địa phương và chưa được Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 2 khu đất trên. Do vậy, không đủ cơ sở để bàn giao đất cho TP.HCM thực hiện các dự án. Về kinh phí, việc di dời đơn vị để bàn giao 16,05 ha đất dự kiến cần khoảng hơn 1.100 tỷ đồng và gần 100 tỷ đồng xây dựng mới hệ thống ụ bê tông xi măng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Kinh phí xây mới các công trình quốc phòng gồm nhà ga quân sự, khu tác chiến, nhà chứa máy bay để bảo dưỡng, sửa chữa... cũng cần khoảng 700 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác di dời, xây dựng, sửa chữa công trình để bàn giao 11,89 ha đất quốc phòng cho dự án xây dựng đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa còn vướng bởi TP.HCM chưa phối hợp kiểm đếm, lập phương án bồi thường, GPMB nên chưa xác định được lượng kinh phí bồi thường, hỗ trợ.
Để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP (ngày 28/7/2022). Cụ thể, Chính phủ đồng ý chủ trương Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 27,85 ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TP.HCM quản lý để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và Dự án Đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Về kinh phí, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm thực hiện Dự án Đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; ACV chịu trách nhiệm thực hiện Dự án Nhà ga T3…
Trước đó, vào đầu tháng 7/2022, Thủ tướng kết luận tại cuộc họp về các dự án đang triển khai tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trong tháng 7 phải hoàn thành bàn giao 16,05 ha đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3 và khoảng 11,89 ha đất quốc phòng cho xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa… để có thể triển khai thi công trong quý III; hoàn thành đồng bộ đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 9/2024. Thế nhưng, tới giữa tháng 8/2022, công tác bàn giao đất mới được các bên liên quan triển khai theo Nghị quyết số 93. Do vậy, Dự án Nhà ga T3 đối mặt với nguy cơ trễ hẹn khởi công.
Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhưng tới thời điểm hiện tại chưa có kết quả.