Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng chuyển sang đầu tư công: Không để lãng phí “đất vàng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 14 năm triển khai, 2 lần đổi nhà đầu tư, Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng trên khu đất vàng ở trung tâm TP.HCM với 4 mặt tiền (đường Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur) vẫn là bãi hoang, um tùm cỏ dại. Để tránh lãng phí quỹ đất hơn 14.410 m2 này, TP.HCM đã thống nhất bãi bỏ việc thực hiện Dự án theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) để chuyển sang đầu tư công với kế hoạch tiến độ rõ rệt so với trước.
Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm trên khu đất vàng ở trung tâm TP.HCM với 4 mặt tiền. Ảnh: Quang Định
Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm trên khu đất vàng ở trung tâm TP.HCM với 4 mặt tiền. Ảnh: Quang Định

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được Thủ tướng cho phép thí điểm làm theo hợp đồng BT, chỉ định nhà đầu tư thực hiện từ năm 2010. Mục tiêu ban đầu của Dự án là phát triển cơ sở vật chất phục vụ thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao, đáp ứng tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế (ASIAD 12, năm 2012).

Ban đầu, nhà đầu tư Dự án là Liên danh Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa - Công ty TNHH An Tạo. Tuy nhiên, sau đó, Công ty TNHH An Tạo có văn bản xin không tiếp tục tham gia dự án này. Dự án đình trệ 8 năm tiếp theo, cho đến năm 2018, UBND TP.HCM duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư và ký biên bản thỏa thuận đầu tư với Liên danh Tổng công ty Đền bù giải tỏa - Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt để tái khởi động Dự án. Thực tế, dù văn bản thỏa thuận đã được ký, nhưng hợp đồng BT giữa TP.HCM và nhà đầu tư này chưa được ký kết chính thức. Tổng mức đầu tư của dự án này cũng tăng từ 988 tỷ đồng vào năm 2010 lên mức hơn 2.200 tỷ đồng năm 2018.

Theo báo cáo của Tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan đến Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Tổ công tác), nếu tiếp tục triển khai Dự án với nhà đầu tư theo hợp đồng BT sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý cho Thành phố. Liên danh nhà đầu tư đầu tiên được chỉ định do tính cấp bách của Dự án đã rút lui. Đến thời điểm chỉ định nhà đầu tư thứ 2 (năm 2018), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định là tính cấp bách của Dự án không còn, không thể áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Đặc biệt, Tổ công tác của TP.HCM cũng nhận định, quy định pháp luật về đấu thầu khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư năm 2017 đã có nhiều thay đổi so với thời điểm xin chủ trương Thủ tướng vào năm 2010. Do đó, việc thực hiện chỉ định nhà đầu tư năm 2018 dựa trên nội dung cho phép chỉ định của Thủ tướng vào năm 2010 là không còn phù hợp, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Từ các vướng mắc trên, Tổ công tác đề xuất TP.HCM chấm dứt thỏa thuận đầu tư.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp của Tổ công tác. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất chấm dứt, bãi bỏ thực hiện Dự án theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp TP.HCM, Dự án được chuyển sang hình thức đầu tư công, dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm 2024. Ngay khi xử lý dứt điểm các chi phí với nhà đầu tư trước đây, thủ tục triển khai Dự án sẽ được đẩy nhanh.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, khi chuyển sang đầu tư công, Dự án sẽ có thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2029. Trong năm 2024, Thành phố sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để năm 2025 tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong năm 2024, Dự án được phân bổ 10 tỷ đồng cho giai đoạn chuẩn bị. Năm 2026, Thành phố sẽ thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị và khởi công xây dựng công trình (vốn phân bổ cho giai đoạn này là 693 tỷ đồng). Năm 2027 thi công phần ngầm, thân (vốn phân bổ 935 tỷ đồng). Năm 2028 tổ chức thi công hoàn thiện công trình, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (dự kiến phân bổ 198 tỷ đồng).

“Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến là 1.850 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 932,255 tỷ đồng, chi phí thiết bị 303,017 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ tạo ra một môi trường tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu cho thể thao thành tích cao. Đồng thời, là cơ hội để TP.HCM đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn trong nước và quốc tế”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Nguyễn Nam Nhân cho biết.

Tin cùng chuyên mục