Dự thảo Luật PPP mới nhất đã bổ sung những điều kiện rất chặt chẽ, không phải tất cả trường hợp giảm thu đều được chia sẻ. Ảnh: Lê Tiên |
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP mới nhất đã bổ sung rõ cơ chế chia sẻ cả tăng và giảm thu, đối tượng, điều kiện chặt chẽ, nguồn tiền để xử lý khi rủi ro xảy ra. Một điểm rất đáng chú ý là, không phải cứ hụt thu là chia sẻ, cũng không có chuyện lời nhà đầu tư nhận, lỗ Nhà nước chịu.
Chia sẻ cả tăng, giảm doanh thu
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cho ý kiến về Dự thảo Luật PPP, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội (ĐBQH) thống nhất phải có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, theo đúng bản chất đối tác giữa khu vực công và khu vực tư. Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH yêu cầu quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ, nguồn tiền để xử lý khi rủi ro xảy ra, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia; trong đó đặc biệt lưu ý việc tạo sự bình đẳng thông qua cơ chế chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân. Một số ý kiến đề nghị quy định cơ chế này đối với tất cả các dự án PPP chứ không chỉ đối với các dự án do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Chính phủ nêu rõ đây là nội dung mới, khó và là một trong các nội dung then chốt cần được tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi tại Dự án Luật PPP. Trong giai đoạn này, Chính phủ đề nghị phương án tiếp thu ý kiến các ĐBQH theo hướng: phân biệt cơ chế chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu và chia sẻ khi tăng doanh thu. Tất cả các dự án PPP đều áp dụng cơ chế chia sẻ khi tăng doanh thu. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP. Đối với trường hợp giảm thu, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết tại hợp đồng nhưng không cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính đối với trường hợp tăng thu, và không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính đối với trường hợp giảm thu.
Dự thảo Luật cũng quy định cơ chế phần tăng, giảm doanh thu phải được xác định tại quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời bổ sung nội dung về kiểm soát doanh thu: định kỳ hằng năm, các bên xác nhận doanh thu thực tế của dự án PPP; định kỳ 3 năm, các bên xác định phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng của dự án PPP căn cứ số liệu hàng năm, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Về nguồn xử lý khi rủi ro phát sinh, hiện tại Dự thảo đang thiết kế theo hướng sử dụng nguồn lực dự phòng vốn đầu tư công trung hạn.
Không có chuyện cứ hụt thu là chia sẻ
Một số ý kiến cho rằng cơ chế chia sẻ rủi ro khi hụt thu sẽ tạo kẽ hở cho nhà đầu tư tìm cách lách để được chia sẻ, Nhà nước phải bỏ tiền ra bù đắp cho những tổn thất khống về doanh thu khi nhà đầu tư dùng thủ đoạn tinh vi để gian lận doanh thu thực tế hoặc do năng lực của nhà đầu tư yếu kém; việc chia sẻ cũng không theo nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu…
Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, Dự thảo Luật PPP mới nhất đã bổ sung những điều kiện rất chặt chẽ, không phải tất cả trường hợp giảm thu đều được chia sẻ.
Cụ thể, cơ chế chia sẻ khi giảm doanh thu chỉ được áp dụng khi dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện đưa ra tại Luật, trong đó có điều kiện dự án phải do cơ quan có thẩm quyền lập; không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng...
Như vậy, với quy định này, nhà đầu tư chỉ được chia sẻ nếu doanh thu thực tế bị ảnh hưởng bởi lỗi từ phía Nhà nước; còn nếu lỗi do thị trường, do nhà đầu tư thì không được chia sẻ, phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Nhà nước cũng chỉ chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng, không phải chia sẻ hết phần giảm thu so với doanh thu trong phương án tài chính.
Việc chia sẻ khi doanh thu bị sụt giảm, phá vỡ phương án tài chính do lỗi của Nhà nước cũng là ý kiến của nhiều ĐBQH, chuyên gia trong nước, quốc tế và cộng đồng nhà đầu tư. Đây là vấn đề Luật phải xử lý để bảo đảm đúng nguyên tắc thị trường, lỗi do bên nào gây ra bên đó phải có trách nhiệm. Qua đó, giúp nhà đầu tư yên tâm vào môi trường đầu tư của Việt Nam, thu hút được nhà đầu tư thực sự thay vì nhà đầu tư chộp giật, và Nhà nước sẽ cung cấp được dịch vụ công tốt hơn cho xã hội, người dân.
Bởi vì dự án PPP về bản chất, theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là dự án được triển khai nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công (mục đích công). Trường hợp không kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư thì Nhà nước cũng phải bỏ tiền ngân sách hoặc huy động các khoản vay ODA để đầu tư, vì đây là công trình, dịch vụ công thuộc trách nhiệm thực hiện, cung cấp của Nhà nước. Như vậy, Nhà nước phải gánh vác mọi trách nhiệm, rủi ro. Sự tham gia của nhà đầu tư tư chân chính là bù đắp thiếu hụt, chia sẻ rủi ro với Nhà nước vì rủi ro được phân bổ cho bên quản lý tốt hơn, đồng thời giúp dự án công được thực hiện hiệu quả hơn.