Đối với dự án công nghệ cao, cần tổ chức lựa chọn nhà đầu tư ngay sau khi quyết định chủ trương đầu tư |
Chọn “chủ dự án” chứ không phải chọn “người làm thuê”
Về bản chất dự án PPP là Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng, vận hành dự án trong suốt vòng đời 20 - 30 năm, hoàn toàn khác với dự án sử dụng vốn nhà nước - Nhà nước lựa chọn nhà thầu để thi công công trình bằng vốn của Nhà nước. Đấu thầu là mắt xích quan trọng để dự án PPP đạt đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả. Thông qua đấu thầu, Nhà nước tìm ra đối tác đầu tư để có thể cung cấp dịch vụ công cho xã hội.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng, đấu thầu dự án PPP là để lựa chọn ra chủ của dự án, đầu tư chủ yếu bằng tiền của nhà đầu tư tự có hay đi vay, lời lãi họ phải chịu, khác với đấu thầu dự án sử dụng vốn nhà nước để lựa chọn nhà thầu, chọn người làm thuê. Theo ông Trần Chủng, Dự thảo Luật PPP nên quy định rõ để có thể đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư đúng nghĩa.
Đồng quan điểm, từ kinh nghiệm làm việc với nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, TS. Lê Nết - Trưởng Văn phòng Luật sư LNT & Partners cho rằng, cơ chế đấu thầu theo đầu vào mà không theo đầu ra, đi cùng với quản lý can thiệp quá nhiều sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài tham gia vào các dự án PPP.
Hơn nữa, cách đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đầu vào cũng sẽ hạn chế tiếp cận công nghệ mới. Phát biểu tại phiên thẩm tra Dự án Luật PPP của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra tuần qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho rằng: "Chúng ta đang đấu thầu dự án, trong khi lẽ ra phải đấu thầu dịch vụ công. Đề bài thầu đưa các tiêu chí đầu vào của dự án, bắt buộc nhà đầu tư làm theo thiết kế nghĩ ra từ muôn thuở, nên không có giá trị của đổi mới, sáng tạo. Từ đó cũng dẫn đến cơ quan nhà nước nhảy vào quản lý cả đơn giá, định mức của nhà đầu tư…".
Ông Đặng Huy Đông lấy ví dụ, "xử lý rác có nhiều công nghệ: vi sinh, compost, đốt điện... mà giờ đưa ngay công nghệ đốt điện vào đầu bài thì không còn gì để đấu thầu cả. Đúng ra phải là Nhà nước mua sắm dịch vụ làm sạch môi trường, khí thải, nước thải theo tiêu chuẩn Việt Nam, chất thải cuối cùng là gì... Nhà đầu tư nào đáp ứng yêu cầu của dịch vụ với giá rẻ nhất là được, còn sử dụng công nghệ nào là quyền của họ", ông Đặng Huy Đông nêu quan điểm.
Đấu thầu theo đầu ra và một bản hợp đồng chặt chẽ “có giá trị như một văn bản pháp luật của Nhà nước với nhà đầu tư”, theo ông Đông, sẽ giúp tránh được trường hợp Nhà nước “tiền mất tật mang”, phải trả tiền cho những dịch vụ không đảm bảo.
Đưa quy định về lựa chọn nhà đầu tư vào Dự thảo Luật PPP
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, nội dung lựa chọn nhà đầu tư là một phần không tách rời của Luật PPP. Do đó, Dự thảo Luật PPP thiết kế một chương về nội dung này và đề xuất bãi bỏ nội dung tương ứng tại Luật Đấu thầu. Đây là việc cần thiết để đảm bảo tính thống nhất, chỉnh thể của văn bản quy phạm pháp luật về PPP, đảm bảo tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP. Ngoài ra, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa một số nội dung về lựa chọn nhà đầu tư để phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và kinh nghiệm thế giới.
Trong đó, Dự thảo Luật kế thừa quy định trình tự thực hiện dự án PPP ứng dụng công nghệ cao. Trong Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nêu quan điểm: đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, ví dụ như dự án BOT điện, dự án xử lý rác thải phát điện,…, việc Nhà nước thiết kế sẵn yêu cầu kỹ thuật, công nghệ trong báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để lựa chọn nhà đầu tư sẽ mang tính áp đặt, không phù hợp với thực tế dự án. Do vậy, đối với loại dự án này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư ngay sau khi quyết định chủ trương đầu tư, sau đó nhà đầu tư trúng thầu sẽ tổ chức lập FS và thực hiện hợp đồng. Quy định này phù hợp với xu hướng phát triển các phương thức đầu tư kinh doanh mới, công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó, Dự thảo Luật có thay đổi quy định về quyết toán để tương thích với quan điểm đã đấu thầu thì lời ăn lỗ chịu, khuyến khích sự sáng tạo của nhà đầu tư.