Dự kiến, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng với công suất 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Ảnh: NC st |
Tuy nhiên, năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn của ACV là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn.
Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án Cảng HKQT Long Thành sẽ được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ 3 giai đoạn của Dự án là 336.600 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD).
Giai đoạn 1 của Dự án sẽ đầu tư một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). Chậm nhất đến năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Về hình thức đầu tư, Chính phủ đề xuất hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước) giao ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Trong Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, trong đó có chấp thuận về hình thức đầu tư như phương án đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế lo ngại về khả năng huy động vốn của ACV, vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có đánh giá việc Chính phủ bảo lãnh cho ACV vay hàng tỷ USD để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) cho biết, theo phương án tài chính trong báo cáo của Chính phủ, vốn tự có của ACV là 1,94 tỷ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Muốn vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 3 tỷ USD. Đại biểu băn khoăn việc Chính phủ bảo lãnh cho ACV vay lượng lớn tiền như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nợ công.
Theo Ủy ban Kinh tế, ACV là doanh nghiệp do Nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước của Dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đầu tư sân bay Long Thành có thể kéo lại vị thế trung tâm trung chuyển của khu vực về nước ta. Quy mô sân bay 100 triệu lượt hành khách mỗi năm cũng phù hợp với tình hình hiện nay và định hướng phát triển trong tương lai. Bộ trưởng dẫn chứng, UAE có hơn 4 triệu dân nhưng có sân bay hơn 90 triệu lượt hành khách mỗi năm, vừa làm thêm sân bay 200 triệu lượt hành khách mỗi năm. Chủ động tạo ra cung để hình thành cầu, xây dựng thành phố sân bay, trung chuyển của cả thế giới.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xu thế của các nước không phải phát triển sân bay thông thường, mà phát triển thành thành phố sân bay, tạo thành một nền kinh tế xoay quanh sân bay, ví dụ điển hình là sân bay Changi của Singapore. Ảnh hưởng và hiệu quả mang lại của sân bay Long Thành nếu theo xu hướng này sẽ lớn hơn rất nhiều một sân bay đơn thuần.