Dự án tắc, nguy cơ thiếu điện hiển hiện

(BĐT) - Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong giai đoạn 2019 - 2020. Theo nhiều chuyên gia về năng lượng, nguy cơ này còn có thể kéo dài tới năm 2030. Gỡ khó trong ngắn hạn, nhất là trong 2 tháng cuối năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tăng huy động các nguồn chạy dầu. Song về dài hạn, cần tính toán cẩn trọng để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
EVN hiện phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện. Ảnh: Lê Tiên
EVN hiện phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện. Ảnh: Lê Tiên

Nguồn điện chạy dầu chỉ là giải pháp trước mắt

Cách đây ít ngày, EVN phát đi thông cáo cho biết, trong tình hình nhu cầu sử dụng điện đến cuối năm tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, EVN đã phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng. Dự kiến năm 2019 phải huy động khoảng 2,57 tỷ kWh từ chạy dầu - nguồn điện có chi phí rất cao. Đến năm 2020, khả năng Việt Nam phải huy động tới 8,6 tỷ kWh điện chạy dầu.

Theo tính toán của chuyên gia năng lượng, hiện có 2 loại dầu chạy phát điện là dầu FO và DO. Nếu điện chạy dầu FO có giá khoảng 3.500 đồng/kWh, dầu DO có giá 5.000 - 6.000 đồng/kWh, thì phần chênh lệch giữa giá mua điện chạy dầu và giá bán lẻ điện bình quân hiện nay (1.846 đồng/kWh) là khá lớn. EVN phải bù lỗ khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng. Vì vậy, huy động nguồn điện chạy dầu chỉ là giải pháp trước mắt, rất tốn kém, nguồn tài chính của EVN không cho phép.

Nhìn lại tình hình thực hiện các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh hiện nay, Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch có 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ. Những dự án đang chậm tiến độ có thể kể đến: Dự án Tua bin khí hỗn hợp Ô Môn III chậm tiến độ 5 năm; Dự án Tua bin khí hỗn hợp Ô Môn IV chậm tiến độ 3 năm; Dự án Thủy điện Ialy mở rộng chậm tiến độ 3 năm…

Đáng ngại hơn, chuyển động của các dự án gần như rất kém, trong đó có cả dự án đã hoàn thành trên 80% khối lượng. Điển hình là Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2  đang chậm tiến độ 3 năm nhưng rủi ro chậm vẫn tiếp tục đặt ra. Nguyên nhân được ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN, chỉ ra là Dự án đang gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt do tổng thầu EPC là Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố. Vì thế, các tổ chức tài chính cắt tín dụng, Dự án không thể vay được nữa.

Không chỉ các dự án Nhà nước đầu tư chậm tiến độ, 15 dự án điện đầu tư theo hình thức BOT thì cũng có tới trên 90% số dự án chậm tiến độ hoặc chưa được xác định. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 - nhà đầu tư Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 cho rằng, các dự án nguồn điện hiện nay chậm tiến độ có rất nhiều nguyên nhân. Song nguyên nhân chủ yếu là khâu thủ tục vẫn vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian để dự án có thể đi vào giai đoạn triển khai thực hiện. “Khâu chuẩn bị đầu tư Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân bắt đầu từ vài năm nay nhưng Dự án chưa thể khởi công do vẫn vướng một số khâu. Chỉ hy vọng năm 2020 Dự án khởi công được”, ông Dương nói.

Đâu là giải pháp?

Hiện Bộ Công Thương đang rục rịch lo chọn tư vấn lập Quy hoạch điện VIII, nguồn điện nào làm cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đang được rất nhiều nhà đầu tư ngóng đợi.

Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 do Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương thực hiện khuyến nghị, việc sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than có thể giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng “mắc kẹt” với nhiệt điện than và phụ thuộc vào than nhập khẩu trong dài hạn. Đồng thời, năng lượng tái tạo phải là tiêu điểm trong Quy hoạch điện VIII, nhằm đảm bảo cơ sở cần thiết để phát triển năng lượng tái tạo trong 10 năm tới.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phan Xuân Dương nhìn nhận, phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) là rất cần thiết trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng năng lượng tái tạo cũng có những đặc điểm riêng là thiếu tính ổn định hơn so với các nguồn điện khác (nhiệt điện, điện khí…) do phụ thuộc vào thời tiết. “Do đó, khuyến nghị năng lượng tái tạo phải là tiêu điểm trong Quy hoạch điện VIII rất cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng”, ông Dương nhấn mạnh.

Đối với nguồn năng lượng khác, TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế dự báo nhu cầu năng lượng thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị đã có những nghiên cứu về đầu tư điện hạt nhân trong việc thực hiện Báo cáo triển vọng năng lượng năm 2019. Tuy nhiên, trong các kịch bản đến năm 2050, điện hạt nhân không được lựa chọn do chi phí cao. Với thủy điện, hiện Việt Nam cũng đã hết tiềm năng; sản xuất điện từ dầu, khí LNG thì chi phí cao…

Để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển trước mắt cũng như lâu dài, các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cần một quyết tâm chính trị để giải quyết ách tắc hàng chục dự án nguồn điện chậm tiến độ cũng như sớm xác định được nguồn năng lượng cơ sở trong Quy hoạch điện VIII để định hướng đầu tư. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa hơn nữa thủ tục đầu tư; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tích cực phát triển năng lượng tái tạo…

Tin cùng chuyên mục