Dự án thành phần 3 thuộc Vành đai 4 Hà Nội: Xây dựng phương án tài chính hấp dẫn, hài hòa lợi ích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án thành phần (DATP) 3 Đầu tư xây dựng đường cao tốc là hạng mục cốt lõi của Dự án Đường Vành đai 4 Hà Nội. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), một trong những vấn đề quan trọng nhất khi xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là tính toán phương án tài chính (PATC) bảo đảm hiệu quả, khả thi, thu hút được nguồn vốn tư nhân, hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.
Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng đường cao tốc với sơ bộ tổng mức đầu tư 56.536 tỷ đồng là hạng mục cốt lõi của Dự án Đường Vành đai 4 Hà Nội. Ảnh: Phú An
Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng đường cao tốc với sơ bộ tổng mức đầu tư 56.536 tỷ đồng là hạng mục cốt lõi của Dự án Đường Vành đai 4 Hà Nội. Ảnh: Phú An

DATP 3 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư 56.536 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 27.089 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng. Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) DATP 3 được Hà Nội báo cáo tại phiên họp của Hội đồng Thẩm định nhà nước (HĐTĐNN) cuối tháng 8 vừa qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, cần tạo thuận lợi tối đa để sớm được triển khai, nhưng phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quy định về quy hoạch.

Tại cuộc họp của HĐTĐNN, nhiều ý kiến đề nghị TP. Hà Nội rà soát kỹ lưỡng các thông số đầu vào để tính toán PATC.

Theo thuyết minh BCNCKT, PATC của Dự án được xác định trên cơ sở giả thiết mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm, lãi suất vay ngân hàng là 10,33%/năm; thời gian thu phí là 25 năm... UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất tách thành 2 DATP hạng mục, DATP hạng mục 1 sử dụng nguồn vốn nhà nước hỗ trợ và DATP hạng mục 2 theo phương thức PPP; quy mô phân kỳ giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, tốc độ xe chạy 80 km/h, giai đoạn hoàn thiện gồm 6 làn xe và tốc độ thiết kế 100 km/h…

Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành Dự án nhận định, PATC đưa ra chưa phải là phương án có hiệu quả tài chính tối ưu so với phương án tổng thể (tức là có cả phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ). Tổ chuyên gia đề nghị UBND TP. Hà Nội đánh giá, so sánh toàn diện tính hiệu quả, khả thi của các phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đề xuất lựa chọn phương án tối ưu, bảo đảm khả năng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tổ chuyên gia cũng cho rằng, Dự án có tổng vốn đầu tư lớn, đòi hỏi nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh. Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP. Hà Nội nên đàm phán về mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án, bảo đảm phù hợp với năng lực nhà đầu tư, giảm thiểu áp lực về huy động vốn vay.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lưu ý, Dự án có mức vốn vay rất lớn trong khi việc huy động vốn tín dụng cho dự án BOT nói chung rất khó khăn. Tuy vậy, Dự án có nhiều lợi thế trong việc huy động vốn tín dụng vì đây là dự án quan trọng quốc gia được quan tâm, thúc đẩy tiến độ, Nhà nước hỗ trợ nhiều. Lưu lượng giao thông cao do đi qua khu vực dân cư mật độ cao. Đặc biệt, Nghị quyết 56/2022/QH15 cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu tạo điều kiện thuận lợi hơn tiếp cận tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác. Luật PPP cũng cho phép nhà đầu tư được huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.

“Tuy nhiên để huy động được vốn, vấn đề mấu chốt là dự án phải có tính khả thi, hiệu quả, thời gian thu hồi vốn chấp nhận được, lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính”, đại diện NHNN nhấn mạnh.

Ông Bắc lưu ý đơn vị lập BCNCKT tham khảo thêm lãi suất của một số ngân hàng lớn; xem xét lại việc tách nguồn vốn đầu tư công ra dự án thành phần hạng mục riêng có thể giảm tính hấp dẫn, ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư quan tâm…

Ông Nguyễn Quang Giang, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc thuộc Bộ Giao thông vận tải đề nghị rà soát kỹ thông tin đầu vào, giá khởi điểm, lộ trình tăng phí, làm sao cố gắng giảm tối đa thời gian thu phí.

Theo một chuyên gia về PPP, các thông số đầu vào tính toán PATC chưa hợp lý so với mức lãi vay trung bình của các ngân hàng và khi xét tới lợi nhuận kỳ vọng thực tế của các nhà đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay. Thực tế, qua khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư với Dự án, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký là Công ty CP Tập đoàn T&T với đề nghị mức lợi nhuận kỳ vọng cao 13,3%/năm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, giá dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án được tính toán ở mức khởi điểm khá cao, trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án ở giai đoạn phân kỳ có nhiều hạn chế. Để bảo đảm lợi ích của người sử dụng, đề nghị xem xét mức phí và khảo sát, đánh giá tác động của Dự án đối với đối tượng bị ảnh hưởng.

Tin cùng chuyên mục