Hiện tại, VTV muốn thoái một phần vốn góp của Đài tại Công ty CP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, duy trì nắm giữ 5% vốn điều lệ tại Công ty sau thoái vốn. |
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương Đài THVN (VTV) đầu tư xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam. Sau đó, tháng 2/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VTV phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư Dự án. VTV lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp thêm vốn vào công ty để khai thác kinh doanh dịch vụ khi Dự án đi vào hoạt động.
Thực hiện nội dung trên, Công ty CP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam (gọi tắt là Công ty) được thành lập để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Tháp truyền hình Việt Nam với số vốn điều lệ là 600 tỷ đồng, cơ cấu gồm 3 cổ đông (VTV, SCIC và Tập đoàn BRG). Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư của Dự án là 31.698 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư tự có của chủ đầu tư (17%) và vốn vay thương mại và các nguồn huy động khác (83%).
Đến nay, các cổ đông mới hoàn thành việc góp vốn lần 1 với số vốn góp là 150 tỷ đồng theo tỷ lệ: VTV (34%); SCIC (33%) và BRG (33%). Số vốn còn lại phải góp là 450 tỷ đồng. Công ty đã thuê Tổng công ty tư vấn Xây dựng Việt Nam - VNCC phối hợp với Công ty Nikken Sekkei Ltd. hoàn thành việc xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án.
Theo báo cáo của Công ty, trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng lợi nhuận sau thuế của Công ty là 17,725 tỷ đồng, chủ yếu là từ hoạt động đầu tư tài chính ngắn hạn. Tại thời điểm hiện tại, VTV đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận chủ trương thoái một phần vốn góp của Đài tại Công ty, duy trì nắm giữ 5% vốn điều lệ tại Công ty sau thoái vốn. SCIC đề xuất thực hiện thoái toàn bộ vốn của SCIC tại Công ty để đảm bảo giá trị thu về cao nhất; trường hợp thoái vốn không thành công hoặc giá trị chuyển nhượng thấp dưới mệnh giá cổ phần thì SCIC đề nghị tiến hành giải thể theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cho ý kiến đánh giá về việc thoái vốn hoặc giải thể Công ty, Bộ KH&ĐT cho rằng, Công ty được thành lập đề thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay (tháng 8/2020), Dự án chưa được triển khai thực hiện trên hiện trường mà chỉ ở giai đoạn nghiên cứu (hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, chưa được cấp có thẩm quyền giao đất để thực hiện Dự án). Như vậy, việc lựa chọn phương án xử lý (thoái vốn hoặc giải thể Công ty) đều không phát sinh nghĩa vụ của các bên liên quan (SCIC, VTV).
Ngoài ra, mục tiêu của Dự án là xây dựng tháp truyền hình phục vụ việc truyền dẫn phát sóng đến nay không còn phù hợp do công nghệ truyền hình đã thay đổi ngày càng hiện đại. Lĩnh vực hoạt động của Công ty (tháp truyền hình kết hợp với hoạt động kinh doanh thương mại, du lịch, giải trí) không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước phải nắm giữ vốn. Do vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị VTV và SCIC không tiếp tục tham gia triển khai Dự án Tháp truyền hình Việt Nam.
Hiện tại, Bộ KH&ĐT chưa nhận được ý kiến của UBND TP. Hà Nội về chủ trương tiếp tục hoặc không tiếp tục đầu tư Tháp Truyền hình.
Do đó, trong trường hợp UBND TP. Hà Nội không có chủ trương tiếp tục xây dựng Tháp Truyền hình, đối với phương án thoái vốn thì có ưu điểm là vẫn duy trì tư cách pháp nhân của Công ty. Sau khi thoái vốn, VTV và SCIC sẽ thu hồi được số vốn góp đã bỏ ra. Tuy nhiên, việc không tiếp tục thực hiện Dự án sẽ có thể dẫn đến giảm sức hấp dẫn khi thực hiện thoái vốn. Do đó, phương án thoái vốn của VTV và SCIC trong điều kiện không tiếp tục Dự án có tính khả thi thấp, khó có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư khác.
Với phương án giải thể, sau khi thanh toán chi phí thanh lý và các chi phí liên quan, số tiền thu về sẽ đảm bảo bù đắp số tiền đã góp vốn của cổ đông VTV, SCIC và có thêm một phần lãi từ lợi nhuận Công ty. Tính khả thi của phương án này được đánh giá cao hơn phương án thoái vốn.
Trong trường hợp UBND TP. Hà Nội có chủ trương tiếp tục xây dựng Tháp truyền hình kết hợp với các hoạt động thương mại, du lịch, giải trí, phương án giải thể để chấm dứt tư cách pháp nhân của Công ty, có được nguồn thu bù đắp cho các khoản đầu tư của VTV và SCIC khi tham gia vào Công ty. Đây là phương án được xem là phương án tối ưu tại thời điểm hiện nay. Công ty phải điều chỉnh vốn điệu lệ theo đúng mức vốn chủ sở hữu hiện nay và thực hiện giải thể theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, bảo đảm thu hồi được lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, để có đủ cơ sở quyết định phương án xử lý đối với Công ty, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội làm rõ sự cần thiết của việc tiếp tục chủ trương đầu tư Tháp Truyền hình, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, đúng quy định pháp luật về đất đai và pháp luật liên quan.