Dự án trên 10.000 tỷ vệ sinh môi trường TP.HCM: Nguy cơ trễ hẹn về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển khai từ năm 2015, theo kế hoạch, Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 sẽ phải hoàn thành vào 30/6/2024. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của UBND TP.HCM, tiến độ của dự án nhóm A này vẫn chưa bảo đảm.
Mục tiêu của Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 là hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và TP. Thủ Đức. Ảnh: Song Lê
Mục tiêu của Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 là hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và TP. Thủ Đức. Ảnh: Song Lê

Lùi hoàn thành, điều chỉnh mức đầu tư

Dự án có tổng mức đầu tư 11.132,904 tỷ đồng (tương đương 524 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) là 450 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là 74 triệu USD (tương ứng 1.572,204 tỷ đồng). Thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2024. Mục tiêu của Dự án là hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và TP. Thủ Đức; cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người dân TP.HCM, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và hạ lưu sông Đồng Nai.

Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, Dự án gồm 29 gói thầu, trong đó có 9 gói thầu xây lắp (đã hoàn thành 2 gói), 16 gói thầu tư vấn (đã hoàn thành 9/16, chấm dứt 1 gói), 3 gói thầu mua sắm hàng hóa (đã hoàn thành) và 1 gói thầu rà phá bom mìn (đã hoàn thành).

Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM, tiến độ chung của Dự án tính đến nay đạt 62%. Lũy kế giải ngân từ đầu đến 31/7/2023 đối với vốn ODA là 4.626,082 tỷ đồng (trong đó vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là 2.937,093 tỷ đồng; vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 1.688,989 tỷ đồng). Giải ngân vốn ngân sách TP.HCM đạt 307,861 tỷ đồng (không tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã giải ngân 434,196 tỷ đồng).

UBND TP.HCM cho biết, Dự án triển khai trong thời gian dài, có nhiều thay đổi về vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ và điều chỉnh một số nội dung, hạng mục, thời gian. Việc điều chỉnh này đã làm thay đổi giá trị các hạng mục, cơ cấu vốn ODA, vốn đối ứng, tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện Dự án.

Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 10.606,431 tỷ đồng (tương đương 499 triệu USD), trong đó gồm: 419 triệu USD vốn ODA (tương đương 8.902,074 tỷ đồng) và 1.704,357 tỷ đồng vốn đối ứng (tương đương 80 triệu USD).

Cụ thể, Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 10.606,431 tỷ đồng (tương đương 499 triệu USD), trong đó gồm: 419 triệu USD vốn ODA (tương đương 8.902,074 tỷ đồng) và 1.704,357 tỷ đồng vốn đối ứng (tương đương 80 triệu USD).

Theo UBND TP.HCM, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài quy định không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay. Từ quy định này, WB đã có thư chấp thuận sửa đổi nội dung Hiệp định vay, không tiếp tục tài trợ các khoản thuế phát sinh sau ngày 30/6/2021. Thay vào đó, Dự án phải sử dụng nguồn vốn đối ứng để trả thuế. Như vậy, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM phải bổ sung vốn đối ứng cho hạng mục thuế trong tổng mức đầu tư của Dự án. Theo đó, nhu cầu vốn đối ứng cho hạng mục thuế để hoàn thành Dự án là 852,329 tỷ đồng.

Trắc trở mời thầu, triển khai gói thầu

Tại dự án này, Gói thầu XL-02 Thiết kế - thi công - vận hành (DBO) Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè là gói thầu chính và quan trọng nhất. Tuy vậy, quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng gặp nhiều trắc trở.

Gói thầu có giá 307 triệu USD đã mất 5 năm sơ tuyển mới lựa chọn được nhà thầu vào tháng 3/2019. Tuy nhiên, do phát sinh khiếu nại từ nhà thầu dự thầu, TP.HCM tiếp tục mất nhiều thời gian để trả lời kiến nghị. Sau khi ký hợp đồng một thời gian dài, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Acciona - Vinci vẫn chưa được tiếp cận thiết kế kỹ thuật của Nhà máy nên không có cơ sở triển khai. Bên cạnh đó, do mặt bằng thi công chưa được giao đồng bộ, Nhà thầu gặp nhiều khó khăn để huy động, tập kết phương tiện, thiết bị. Ngoài ra, việc Chủ đầu tư không thanh toán các giá trị thuế VAT liên quan tới hợp đồng dẫn tới số tiền chờ thanh toán lũy kế lớn, ảnh hưởng đến công tác thi công của Nhà thầu…

Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM, dự kiến gói thầu này sẽ hoàn thành vào tháng 2/2025. Tuy nhiên, tiến độ tổng thể thực hiện mới 32% và với tình hình hiện nay, nhiều khả năng đến tháng 2/2026, Gói thầu mới hoàn thành và vận hành thử. Đại diện Ban cho biết, Dự án đang gặp một số vướng mắc tại Gói thầu XL-02. Do bị kéo dài các thủ tục, chậm bàn giao mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, dẫn tới chậm thực hiện hợp đồng, nhà thầu thi công Gói thầu XL-02 thời gian qua đã liên tục phản ánh, khiếu nại, yêu cầu giải quyết các nội dung không phù hợp với hợp đồng.

Tin cùng chuyên mục