Cần nhắc lại rằng, Dự án First Sola có vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD tại Khu công nghiệp Đông Nam là nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời theo công nghệ hiện đại màng mỏng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2011 và được khởi công vào tháng 3/2011. Tuy nhiên, sau khi khởi công được 8 tháng, chủ đầu tư đã công bố tạm dừng thực hiện Dự án, do sự mất cân bằng cung - cầu về sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu.
Đến thời điểm tạm dừng Dự án, First Solar đã đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng 113.000 m2, trong đó có 107.000 m2 dành cho sản xuất. Tổng số vốn mà chủ đầu tư này đã góp theo báo cáo của Hepza là 50 triệu USD và Công ty chưa đăng ký lao động do dự án chưa hoạt động…
Theo quy định hiện hành, với các dự án như First Solar, sẽ có hai cách để nhà đầu tư dừng thực hiện dự án. Thứ nhất là chuyển nhượng vốn cho đối tác khác và trong trường hợp này, đối tác phải giữ nguyên ngành nghề, mức đầu tư… mà First Solar đã đăng ký. Thứ hai là chuyển nhượng tài sản (nghĩa là bán nhà xưởng), đòi hỏi nhà đầu tư phải có các thủ tục pháp lý cơ bản về quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu tài sản trên đất.
Theo tìm hiểu, những thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án First Solar như, quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu tài sản trên đất đã được hoàn thành. “Dự án của nhà đầu tư mới có ngành nghề đăng ký hoạt động tương đồng và được thực hiện tại địa điểm của Dự án First Solar”, ông Hà nói và cho biết, vốn đầu tư đăng ký của dự án mới này ít nhất cũng là 500 triệu USD, thậm chí có thể tương đương tổng vốn đầu tư mà First Solar đã đưa ra.
Cũng theo ông Hà, thời gian qua, nhà đầu tư mới đã nhiều lần làm việc với Hepza, tìm hiểu chi tiết các vấn đề liên quan đến pháp lý, nhà xưởng, đàm phán kỹ lưỡng các chi tiết về dự án đầu tư… Theo kế hoạch, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án mới có thể tiến hành ngay trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa chốt được cụ thể về thời gian.
Lý do mà nhà đầu tư mới đưa ra là hạ tầng kết nối từ Quốc lộ 22 đến Khu công nghiệp Đông Nam là Tỉnh lộ 8 chưa hoàn chỉnh, khiến họ sẽ rất khó khăn trong việc triển khai dự án. Cụ thể, Tỉnh lộ 8 hiện hữu chỉ có quy mô 2 làn xe và TP.HCM đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô lên 6 làn xe, nhưng dự án này vẫn chưa được triển khai thi công, do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc để TP.HCM tổ chức kêu gọi đầu tư vào Dự án nâng cấp, mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 22 qua địa bàn TP.HCM và Tây Ninh (nối với Campuchia) theo hình thức BOT. Cùng với việc Tỉnh lộ 8 đang được đầu tư mở rộng, dự án này sẽ khiến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp Đông Nam về các cảng biển và khu trung tâm của TP.HCM tới đây sẽ rất thuận lợi.
“Nhà đầu tư rất quan tâm và liên tục hỏi về tiến độ thi công của Tỉnh lộ 8 để có kế hoạch cụ thể triển khai dự án”, ông Hà nói và cho biết, nếu dự án này được cấp phép trong năm nay, sẽ có tác động rất tích cực đến kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố.
Theo báo cáo của Hepza, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư thu hút vào các khu chế xuất - khu công nghiệp của TP.HCM là 197,86 triệu USD, giảm 53,43% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ là 115,67 triệu USD, giảm 69,49% so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm nay, Hepza đưa ra kế hoạch thu hút vốn đầu tư đạt 700 triệu USD.