Dự án Vành đai 4 - TP.HCM qua Bà Rịa - Vũng Tàu: Chọn nhà đầu tư BOT trong quý III/2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lộ trình đầu tư Dự án đã được hoạch định rõ ràng. Theo đó, mục tiêu sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư vào quý III năm 2025 và khởi công ngay sau đó. Tổng mức đầu tư Dự án cũng được điều chỉnh tăng hơn 607 tỷ đồng.
Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 8.579 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư hơn 8.579 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Ông Nguyễn Công Danh, Phó Giám đốc Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép -Thị Vải cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đang được lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương. Hiện nay, UBND Tỉnh đã thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Liên quan đến dự án này, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời đề nghị TP.HCM chủ trì lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát, báo cáo đánh giá toàn bộ Dự án.

Dự kiến, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài tuyến là 18,23 km. Điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường ĐT.992, cách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 230 m; điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, vị trí hồ Bàu Cạn) tiếp nối với Vành đai 4 - TP.HCM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, tuyến đường có 8 làn xe, bề rộng mặt cắt ngang 74,5 m.

Theo cập nhật mới nhất, tổng mức đầu tư Dự án khoảng 8.579,438 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3.924 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 3.514 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí đầu tư xây dựng, chi phí khác là 421,688 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 719,653 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, tổng mức đầu tư trên được cập nhật theo suất đầu tư tại Quyết định số 816/QĐ-BXD ngày 22/8/2024 của Bộ Xây dựng; chi phí giải phóng mặt bằng tính theo giá đất ban hành cho Dự án thành phần (DATP) 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có xét đến hệ số điều chỉnh dự kiến giải phóng mặt bằng 15%. Theo cập nhật mới này, tổng mức đầu tư Dự án tăng khoảng 607,15 tỷ đồng, trong đó 2 cấu phần tăng nhiều là chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (tăng 487,84 tỷ đồng), chi phí xây lắp - thiết bị (tăng 107,71 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Công Danh cho biết, Dự án đường Vành đai 4 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được chia thành 2 DATP. Cụ thể, DATP 1 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom, song hành. Dự án này do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công với cơ cấu vốn kết hợp Trung ương và địa phương. Trong tổng mức đầu tư khoảng 4.288,529 tỷ đồng, ngân sách trung ương đảm nhận 50% (tương ứng 2.144 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương 50%. DATP 2 Xây dựng đường cao tốc (bao gồm phạm vi cầu ranh giới Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai) được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư và đàm phán, ký kết hợp đồng BOT. Vốn đầu tư DATP 2 do nhà đầu tư huy động 100%, tương ứng khoảng 4.702,561 tỷ đồng (bao gồm lãi vay) với thời gian hoàn vốn 17 năm 7 tháng.

Dự kiến sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án. Lộ trình đầu tư được hoạch định theo mốc thời gian cụ thể: Quý IV/2024 hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Việc lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện từ quý IV/2024 đến quý II/2025. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ triển khai từ quý III/2025 đến quý IV/2026. Công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thực hiện vào quý III/2025. Công tác tổ chức thi công và hoàn thành công trình từ quý I/2026 đến quý III/2028. Dự án dự kiến được đưa vào vận hành khai thác đồng bộ vào quý IV/2028. Thời gian thực hiện hợp đồng BOT từ khi ký hợp đồng đến khi hoàn vốn dự kiến từ năm 2026 đến 2045.

Mới đây, Chính phủ giao TP.HCM làm cơ quan thẩm quyền tổng hợp trình Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP.HCM, tổ chức hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo các DATP đã được các địa phương lập, sau đó trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Dự án có chiều dài 207 km, tổng mức đầu tư 136.000 tỷ đồng, đi qua 5 địa phương gồm: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và được nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung. Dự kiến, Dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.

Tin cùng chuyên mục