Cầu Cần Giờ được thiết kế dây văng 1 trụ tháp với biểu tượng cây đước đặc trưng của huyện Cần Giờ. Ảnh: Phú An |
Khởi công Dự án vào dịp 30/4/2025
Thông tin với với phóng viên, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết, cầu Cần Giờ là công trình có vai trò đặc biệt đối với không gian quy hoạch phát triển của Thành phố. Đây là huyện đảo biệt lập với TP.HCM, mọi hoạt động giao thương đều đang phụ thuộc vào phà Bình Khánh dẫn tới nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, ngay từ khi UBND TP.HCM công bố thông tin về việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, rất nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm.
Theo đó, Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam - Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ đã đầu tư kinh phí để TP.HCM mở cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ. Ngày 1/3/2019, phương án thiết kế cầu Cần Giờ với biểu tượng cây đước của Công ty CP Kidohu đã được chọn để triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho biết thêm, kể từ khi được công bố thắng thi tuyển kiến trúc, Kidohu đã liên tục cập nhật thông tin, bổ sung dữ liệu cần thiết để làm rõ tính phù hợp, kết nối với các khu vực. Vị trí trụ, thiết kế trụ cầu được nghiên cứu kỹ nhằm bảo đảm phù hợp về mặt kỹ thuật và an toàn công trình. Giai đoạn thiết kế chi tiết cũng được tuân thủ và làm rõ hơn ý tưởng của phương án.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, từ cơ sở phương án thiết kế kiến trúc này, năm 2022, Sở đã kiến nghị UBND Thành phố giao nhiệm vụ, bố trí vốn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhằm sớm triển khai cầu Cần Giờ. Công trình khi hình thành sẽ phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, tăng kết nối Nam Sài Gòn với Cần Giờ. Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, công trình sẽ thúc đẩy phát triển khu lấn biển, khu đô thị du lịch Cần Giờ.
Theo công bố của Sở Giao thông vận tải, cầu Cần Giờ dự kiến dài hơn 3,6 km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.
Ông Lâm cho biết, Sở Giao thông vận tải đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023. Khi Dự án được thông qua chủ trương đầu tư, Sở sẽ tập trung lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2024 trình UBND TP.HCM. Cuối năm 2024 sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để có thể khởi công Dự án vào dịp 30/4/2025.
Cầu Cần Giờ sẽ phá vỡ thế biệt lập, nối liền huyện đảo và trung tâm TP.HCM. Ảnh: Hữu Chánh |
Tận dụng “cơ hội vàng” huy động nguồn lực
Bài toán huy động nguồn vốn 10.000 tỷ đồng để đầu tư cầu Cần Giờ hiện đang là mối quan tâm lớn nhất của TP.HCM. Sở Giao thông vận tải cho biết, Dự án được ưu tiên kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng tùy theo tình hình thực tế có thể lựa chọn giải pháp phù hợp. Các phương án đầu tư theo hợp đồng BOT và thậm chí đầu tư công thuần túy bằng ngân sách đều sẽ được Thành phố chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu lập dự án để bảo đảm tối ưu hóa các lựa chọn, đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tiềm lực.
“Dự án đang được đẩy nhanh quá trình đo đạc, kiếm đếm, xác định ranh, mốc, để làm cơ sở hình thành chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. TP.HCM tách công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng riêng, triển khai trước (như cách làm tại Dự án Vành đai 3) để đẩy nhanh tiến độ toàn dự án”, ông Lâm cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch khẳng định, đây là thời điểm vàng để khởi động Dự án cầu Cần Giờ.
Theo ông Lịch, nhà đầu tư hàng đầu thế giới về hàng hải đã bày tỏ quan tâm và muốn đầu từ phát triển cảng trung chuyển Cần Giờ với quy mô hơn 5 tỷ USD. Ngoài ra, với hệ thống sinh thái đặc hữu, Cần Giờ có lợi thế rất lớn để trở thành khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) hoàn toàn bằng nguồn lực tư nhân. Do đó, TP.HCM cần ưu tiên phát triển hạ tầng kết nối cho Cần Giờ, cụ thể là cầu Cần Giờ càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội này.
Về cơ chế, chính sách, Nghị quyết 98/2023/QH15 vừa có hiệu lực sẽ giúp TP.HCM giải bài toán vốn cho Dự án. “Dự án hoàn toàn có thể được triển khai bằng các hợp đồng BOT, BT (theo hình thức trả chậm bằng tiền theo cơ chế của Nghị quyết 98). Thậm chí nhờ có cơ chế đặc thù, nguồn ngân sách được giữ lại của TP.HCM giai đoạn tiếp theo hoàn toàn có thể cân đối để sắp xếp cho dự án cấp bách này”, ông Lịch khuyến nghị.