Dự án xây dựng KCN Cái Mép: Dốc vốn chủ sở hữu để tăng mức đầu tư?

(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư gấp gần 3 lần. Điều này khiến nhà đầu tư phải sử dụng gần hết vốn chủ sở hữu và phải vay lượng vốn bằng ¾ tổng mức đầu tư để thực hiện Dự án. 
Lý do đề xuất tăng tổng mức đầu tư Dự án là thời gian xây dựng kéo dài, biến động giá nguyên vật liệu, tiền công
Lý do đề xuất tăng tổng mức đầu tư Dự án là thời gian xây dựng kéo dài, biến động giá nguyên vật liệu, tiền công

Trước thực trạng này, một số cơ quan quản lý nhà nước lo ngại sẽ khó tiên liệu được những tác động đến hoạt động và hiệu quả của nhà đầu tư Dự án là doanh nghiệp nhà nước. 

Tăng tổng mức đầu tư 3 lần

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt vào năm 2002. Dự án đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 4 ngày 19/6/2013.

Theo đó, tổng vốn đầu tư của Dự án là 1.502,75 tỷ đồng, thời gian xây dựng là 14 năm 9 tháng (kể từ tháng 4/2003 - 12/2017). Nhà đầu tư Dự án là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV (viết tắt là SGCC).

Dự án hiện đã hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, Nhà đầu tư đã được giao đất trên toàn bộ diện tích 670 ha. Đến thời điểm đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư, tổng vốn đã thực hiện của Dự án là 758,98 tỷ đồng (đạt 50,51%). Nhà đầu tư đã ký hợp đồng cho thuê đất với 9 doanh nghiệp (DN) thứ cấp với diện tích 73,99 ha, trong đó 7 DN đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo hồ sơ Dự án, Nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 4.363,46 tỷ đồng (tăng gấp gần 3 lần); thời gian xây dựng tăng thêm 1 năm thành 15 năm 9 tháng. Lý do chủ yếu được lý giải là thời gian xây dựng Dự án kéo dài (vướng mắc trong chồng lấn ranh giới quy hoạch của KCN Cái Mép và cảng container Cái Mép, công tác giải phóng mặt bằng); biến động giá nguyên vật liệu, tiền công (chỉ số giá xây dựng giai đoạn 2006 đến 2014 tăng trên 300%). 

Vốn vay chiếm ¾ tổng mức đầu tư đề xuất điều chỉnh

Trong tổng mức vốn đầu tư đề xuất điều chỉnh của Dự án là 4.363,464 tỷ đồng thì vốn tự có của nhà đầu tư là 1.052,851 tỷ đồng (chiếm 24,1%), vốn vay là 1.052,851 tỷ đồng (chiếm 24,1%), vốn ứng trước của các nhà đầu tư, lãi vay và chi phí đã thực hiện là 2.257,762 tỷ đồng (chiếm 51,8%).

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của SGCC đã được kiểm toán, tỷ lệ nợ phải trả (ngắn và dài hạn) trên vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư là 802,7 tỷ đồng/2.051,6 tỷ đồng (0,39 lần), bảo đảm khả năng tài chính để thực hiện Dự án. DN này đang đầu tư vào 12 công ty liên kết, 6 công ty liên doanh và góp vốn vào 8 đơn vị khác với tổng giá gốc các khoản đầu tư khoảng 575,8 tỷ đồng. Phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn đã góp vào các DN khác là 1.475,8 tỷ đồng, lớn hơn phần vốn SGCC đã cam kết vào dự án này.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2016 cũng chỉ ra, khả năng tài chính để đầu tư dài hạn (vốn chủ sở hữu + nợ dài hạn - tài sản dài hạn) là 520,892 tỷ đồng, thấp hơn vốn chủ sở hữu mà Nhà đầu tư dự kiến tiếp tục góp vào Dự án (1.052,8 tỷ đồng). Đồng thời, đến hết năm 2016, vốn chủ sở hữu của SGCC là 2.051 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu của Tổng công ty là 1.095 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, trong trường hợp góp vốn vào Dự án sau khi điều chỉnh tổng vốn đầu tư, SGCC sẽ sử dụng gần hết mức vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2016. Trong điều kiện Dự án có quy mô lớn, việc sử dụng ¾ tổng mức đầu tư là nguồn vốn vay để thực hiện Dự án là khó tiên liệu được những tác động đến hoạt động và hiệu quả của DN nhà nước.

Theo Văn bản số 17802/BTC-ĐT ngày 5/12/2016, Bộ Tài chính cho biết, SGCC có 4 công ty con và 12 công ty liên doanh, liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Do đó, bộ này đề nghị phải giám sát việc góp vốn của chủ đầu tư theo tiến độ đã cam kết, đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo tiến độ đầu tư Dự án. Mặc dù UBND tỉnh BR-VT thông tin thêm là SGCC đã thực hiện thoái vốn đầu tư tại các công ty liên doanh, liên kết, tuy nhiên vẫn chưa đánh giá cụ thể được việc thoái vốn để bố trí vốn tự có của Nhà đầu tư cho Dự án và ảnh hưởng của việc thực hiện tiến độ cổ phần hóa đối với việc góp vốn vào Dự án sau khi điều chỉnh tổng vốn đầu tư.

Tại Văn bản số 04/BXD-HĐXD ngày 10/1/2017, Bộ Xây dựng lưu ý, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư sẽ liên quan trực tiếp đến việc hạch toán giá cho thuê đất có hạ tầng kỹ thuật, cung cấp dịch vụ trong phạm vi KCN và hiệu quả của Dự án.

Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh BR-VT chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT và các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của Bộ KH&ĐT, phân tích của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, yêu cầu Nhà đầu tư xem xét các nguyên nhân làm tăng tổng vốn đầu tư của Dự án, rà soát sự phù hợp của tổng vốn đầu tư đề xuất điều chỉnh đối với thời điểm hiện nay, đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật về lập thẩm định, phê duyệt Dự án.