Dự án xử lý chất thải rắn tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Coi trọng công nghệ khi chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xem xét Báo cáo dự thảo quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt tạo năng lượng ứng dụng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.
Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (Bà Rịa - Vũng Tàu)
có 11 dự án xử lý chất thải đã đi vào hoạt động nhưng công nghệ lạc hậu, năng
suất xử lý không cao. Ảnh: Linh Nga
Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 11 dự án xử lý chất thải đã đi vào hoạt động nhưng công nghệ lạc hậu, năng suất xử lý không cao. Ảnh: Linh Nga

Việc kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia Dự án được kỳ vọng giúp khu xử lý chất thải này thoát khỏi tình trạng quá tải, ô nhiễm trầm trọng thời gian qua.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 vào khoảng 8.255,28 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách của Tỉnh là 3.397,67 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 1.989,8 tỷ đồng và vốn ODA khoảng 2.867,81 tỷ đồng. Đề án có 19 dự án được ưu tiên phát triển.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Tỉnh vào khoảng 950 tấn/ngày. Trong đó, lượng phát sinh trên đất liền của 7 địa phương (TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc) được thu gom, chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, với khối lượng trung bình khoảng 850 tấn/ngày. Việc tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu do các công ty dịch vụ môi trường đô thị thực hiện.

Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã có 15 dự án được giao đất để đầu tư các nhà máy xử lý chất thải, trong đó có 11 dự án đi vào hoạt động, gồm: 6 nhà máy xử lý chất thải nguy hại, 2 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp thông thường, 1 khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; Nhà máy Xử lý và Chế biến các chất thải lỏng sinh hoạt; 1 khu chôn bùn nạo vét cống thoát nước. Những dự án còn lại vẫn trong quá trình triển khai đầu tư.

Tuy nhiên, quy mô của các dự án này còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, dẫn tới năng suất xử lý không cao. Bên cạnh đó, nhiều dự án dù mang danh là xử lý chất thải nhưng tác động tiêu cực đến môi trường như khói, mùi… lại rất nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã tham khảo rất nhiều mô hình nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc và mong muốn lựa chọn dự án sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến như công nghệ đốt rác phát điện.

Việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt ứng dụng công nghệ đốt, tái chế thu hồi năng lượng tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên được thực hiện theo quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).

Nhà đầu tư thực hiện Dự án phải đảm bảo các điều kiện như: có công nghệ sử dụng đất tiết kiệm; chứng minh được vốn chủ sở hữu đủ dành cho các dự án mà nhà đầu tư đang thực hiện và riêng cho dự án này không được thấp hơn 20% tổng mức đầu tư Dự án; cam kết ký quỹ theo đúng quy định; đáp ứng được tất cả các yêu cầu về kinh nghiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu, việc xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Nhà máy đề cập nhiều đến công nghệ. Địa phương này chỉ xem xét, lựa chọn những nhà đầu tư có thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được triển khai, áp dụng thành công trong thực tế; có độ tin cậy cao, hiệu quả, an toàn, đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định và quy mô, công suất phải tương đương với Dự án.

Quan điểm của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và cạnh tranh bình đẳng.