Dự kiến mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với 3 đối tượng

(BĐT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” (Dự thảo Nghị định). 
 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo đó, Dự thảo Nghị định sẽ hướng tới áp dụng đối với 3 đối tượng: Hoạt động khai thác khoáng sản thông qua cấp giấy phép, hoạt động tận thu khoáng sản trong phạm vi ranh giới cấp giấy phép và hoạt động thu hồi khoáng sản thông qua các dự án đầu tư xây dựng công trình.

Theo tổng hợp báo cáo từ 53/63 ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng kết 4 năm thực hiện Nghị định 203/2013/NĐ-CP cho thấy, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Nhiều dự án khi xem xét cấp phép khai thác thiếu những thông tin cơ bản về địa chất và khoáng sản (trữ lượng địa chất huy động khai thác, trữ lượng địa chất ở thể tự nhiên hoặc ở thể nguyên khai thể hiện không rõ ràng cụ thể…) nên việc xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác gặp khó khăn.

Một số giấy phép cấp trước Luật Khoáng sản năm 2010 trữ lượng xác định theo các tài liệu tìm kiếm đánh giá, mức độ tin cậy thấp, rủi ro cho các đơn vị khai thác khoáng sản; một số mỏ do vướng mắc trong công tác thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thể đưa mỏ vào khai thác, chưa có doanh thu nên khó khăn trong việc thực hiện nộp tiền; chưa có các quy định về hoãn, giãn (gia hạn) thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp chưa thể triển khai hoạt động khai thác khoáng sản do trường hợp bất khả kháng.

Chưa có quy định về việc hoàn trả, đối trừ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp hết thời hạn khai thác nhưng trữ lượng khoáng sản của mỏ vẫn còn hoặc tổng trữ lượng đã khai thác nhỏ hơn trữ lượng được cấp theo giấy phép khai thác khoáng sản; chưa có quy định về việc điều chỉnh, trừ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp trong trường hợp trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản...

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định sẽ đảm bảo không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Khoáng sản, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế và Luật Ngân sách nhà nước, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quy định trong các điều, khoản của Dự thảo Nghị định phải rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ kiểm tra, đánh giá cho mọi đối tượng áp dụng; đảm bảo tính hợp lý, thống nhất giữa các điều, khoản của Dự thảo Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi trong thực hiện.

Dự thảo Nghị định lần 3 gồm 4 chương, 18 điều, 3 phụ lục đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định.

Tin cùng chuyên mục