Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Tạo cơ chế tăng cường nội lực doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao nội lực của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bổ sung giải pháp góp phần tăng cường nội lực cho nhà thầu Việt Nam.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung chính sách ưu đãi nhằm hoàn thiện quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh… Ảnh: Nguyễn Văn Cường
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung chính sách ưu đãi nhằm hoàn thiện quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh… Ảnh: Nguyễn Văn Cường

Cuối tuần trước, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức lễ ký kết hợp đồng chế tạo, cung cấp 33 chân đế hút chân không cho tuabin, sẽ được lắp đặt tại trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 do Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đầu tư.

Theo giới chuyên gia, việc PTSC trúng thầu và thực hiện hợp đồng đã gây được tiếng vang lớn trong ngành, đồng thời sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hình thành chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng tại Việt Nam. Đây cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam ký được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực mới là điện gió ngoài khơi.

Hiện tại, PTSC đang triển khai nhiều gói thầu thuộc các dự án lĩnh vực dầu khí ở Trung Đông - nơi mệnh danh là trung tâm dầu khí thế giới.

TS. Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá, có thể gọi PTSC là một trong những doanh nghiệp mang được tinh hoa của ngành dầu khí Việt Nam ra quốc tế.

Theo TS. Phan Ngọc Trung, ngược lại lịch sử những năm 1980 - 1990, các đơn vị dầu khí nước ta hầu như không có việc gì ngoài việc đi làm visa (làm thủ tục cho chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam). Nhưng đến nay, nhờ những các chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành dầu khí đã có sự phát triển mạnh mẽ và vươn ra thế giới với việc trúng thầu nhiều gói thầu quốc tế lớn.

TS. Phan Ngọc Trung cho biết, ông rất vui mừng khi đón nhận thông tin Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đã bổ sung các quy định về ưu tiên, ưu đãi đối với hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cũng như nhà thầu nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước, thúc đẩy mua sắm xanh, mua sắm bền vững. Theo ông Trung, các chính sách này nếu được thông qua sẽ là cơ hội để nhà thầu trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc ưu đãi hàng hóa có xuất xứ trong nước được Quốc hội thông qua sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Lê Tiên

Việc ưu đãi hàng hóa có xuất xứ trong nước được Quốc hội thông qua sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Lê Tiên

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Đạt, Trưởng phòng Luật thuộc Liên doanh Việt -Nga Vietsopetro bày tỏ sự ủng hộ cao với đề xuất bổ sung ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu tại Dự thảo Luật. Theo ông Đạt, các ưu đãi đề xuất phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước hướng tới việc giúp nền kinh tế nước ta tăng tính tự chủ, tự cường trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều diễn biến khó lường.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC cũng cho rằng, nếu chính sách ưu đãi đối với nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu được thông qua sẽ là “bàn đạp” tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường nội lực, năng lực cạnh tranh để vươn ra thế giới.

Cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho biết, việc bổ sung chính sách ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu nhằm khắc phục bất cập hiện nay, qua đó hoàn thiện quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế.

Theo đó, Dự thảo Luật kế thừa, hoàn thiện các quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 về áp dụng ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế. Đồng thời, bổ sung quy định ưu đãi đối với nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nhà thầu sử dụng số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên; sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường… Về hình thức ưu đãi, nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi sẽ được cộng thêm điểm đánh giá; hoặc được ưu tiên trong đánh giá về năng lực kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu…

“Việc ưu đãi hàng hóa có xuất xứ trong nước được Quốc hội thông qua sẽ giúp hàng hóa trong nước phát triển, tăng sức cạnh tranh. Ưu đãi với sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường sẽ giúp nhà thầu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất hàng hóa, dần dần góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững. Ưu đãi đối với nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ “tiếp lửa” cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo phát triển…”, ông Trần Quốc Đạt nhìn nhận.

Đánh giá về tác động của chính sách, Cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng Luật cho rằng, chính sách này không làm phát sinh thủ tục hành chính, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Đặc biệt, chính sách có tác động tích cực cho cả 3 bên là Nhà nước, nhà thầu và cả người dân, qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hình thành nên các doanh nghiệp trẻ, năng động, bắt kịp với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế phát triển các mô hình kinh doanh trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục