Kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, dịch vụ công là một nội dung quan trọng đối với dự án đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Nhã Chi |
KTNN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để tăng cường sự minh bạch, hiệu quả của dự án PPP, đồng thời tôn trọng nguyên tắc thị trường, phù hợp với bản chất, mục tiêu của phương thức đầu tư này.
Theo quy định của Luật KTNN, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định, một trong những loại tài sản công là “tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án”. Như vậy, trước khi chuyển giao theo hợp đồng, tài sản được đầu tư theo phương thức PPP chưa được xác định là tài sản công.
Tuân thủ quy định của Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật PPP quy định rõ nội dung và phạm vi kiểm toán của KTNN trong đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể, trước khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật về KTNN đối với quá trình chuẩn bị dự án, đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo việc lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu thực hiện dự án.
Sau khi ký kết hợp đồng, KTNN thực hiện kiểm toán theo pháp luật về KTNN đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP. Ở giai đoạn này, KTNN sẽ kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Đồng thời kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với dự án PPP sử dụng vốn nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình hoặc thanh toán cho doanh nghiệp dự án trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công. Trong trường hợp này, nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoàn thành công trình, hệ thống hạ tầng trước thời hạn hoặc tiết kiệm được chi phí đầu tư được xác định tại hợp đồng, thì không phải điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, trước khi chuyển giao công trình, tài sản dự án cho phía Nhà nước (để xác lập tài sản thuộc sở hữu nhà nước), KTNN có thể tổ chức giám định chất lượng, tình trạng tài sản, đảm bảo nhà đầu tư chuyển giao tài sản đáp ứng điều kiện kỹ thuật vận hành theo đúng yêu cầu của hợp đồng.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, Dự thảo Luật PPP bổ sung quyền kiến nghị hủy thầu của KTNN nếu thông qua kiểm toán trước khi ký hợp đồng phát hiện việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật dẫn đến hạn chế cạnh tranh và không bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án. Với quy định này, KTNN có vai trò rất lớn trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nếu phát hiện gian lận, tham nhũng, thông thầu giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư có thể chặn sai phạm ngay từ đầu.
Cùng với mở rộng vai trò của KTNN, để tăng cường công khai, minh bạch, Dự thảo Luật PPP quy định rõ cơ chế công khai, lấy ý kiến người dân trong chuẩn bị dự án; đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh, khu biệt trường hợp chỉ định thầu; công khai nội dung giá, phí dịch vụ trong hợp đồng; giám sát quá trình thực hiện hợp đồng của nhà đầu tư; trách nhiệm các cơ quan; chế tài xử lý...
Cơ quan soạn thảo cho rằng, những quy định tại Dự thảo Luật PPP sẽ giúp dự án PPP vừa được giám sát tốt bởi KTNN, vừa tôn trọng nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu, phát huy, khích lệ tính sáng tạo, trí tuệ, tận dụng công nghệ mới của khu vực tư nhân khi thực hiện dự án.
Từ kinh nghiệm quốc tế, GS. Akash Deep - giảng viên cao cấp về chính sách công thuộc Đại học Harvard (Mỹ) - chia sẻ, tại nhiều quốc gia, khi không kiểm toán tài chính, công việc của KTNN vẫn rất nhiều, thậm chí khó khăn hơn, trách nhiệm nhiều hơn, để đánh giá chất lượng dịch vụ công được cung ứng đến người dân có đảm bảo như cam kết hay không.