Theo Dự thảo Luật PPP, dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu phải là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên |
Quy định này được cộng đồng nhà đầu tư, tổ chức tài chính coi là một trong những nội dung then chốt để tạo tính đột phá trong chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là cần thiết áp dụng, nhưng phải rất chặt chẽ, không tràn lan, chỉ dành cho những dự án quan trọng, trọng điểm…
Nếu hiệu quả thì không nên sợ
Từ thực tiễn triển khai Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 chia sẻ, nghe nói đến “bảo lãnh của Chính phủ” thì nhiều ý kiến coi đó là việc rủi ro, chịu trách nhiệm và sẽ khước từ ngay từ đầu, tuy nhiên nên hiểu rõ hơn về từng loại bảo lãnh.
Lấy ví dụ về bảo lãnh liên quan trách nhiệm chuyển đổi ngoại tệ, ông Dương cho biết, thực tế nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia các dự án PPP tại Việt Nam đều mang vốn ngoại tệ từ nước ngoài vào, họ sẽ cần phải có ngoại tệ để trả vốn vay, vốn chủ sở hữu và lợi nhuận trong kinh doanh. Trong kinh doanh thông thường, họ sẽ ký hợp đồng chuyển đổi ngoại tệ với ngân hàng chuyển đổi. Họ không cần bất kỳ một lượng dự trữ ngoại hối nào mà Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước cần phải bảo đảm cung cấp. Điều đó không làm tăng áp lực cho dự trữ ngoại hối của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, quản lý ngoại hối và thị trường ngoại hối được điều hành bởi Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Vì vậy, nếu Chính phủ điều hành không tốt, có các tác động làm cho các ngân hàng chuyển đổi không có hoặc không thể chuyển đổi ngoại tệ được, thì Chính phủ phải gánh chịu trách nhiệm thông qua các bảo đảm về cơ chế chuyển đổi ngoại tệ.
Đó chỉ là quan điểm của một trong số rất nhiều nhà đầu tư khi bàn về trách nhiệm của Chính phủ đối với dự án PPP trong bối cảnh nhiều dự án phải chịu những rủi ro không thể lường trước xuất phát từ các quyết định hành chính của Nhà nước.
Tại Tọa đàm trao đổi về Dự thảo Luật PPP gần đây, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ quan điểm, không nên cứ nói đến cơ chế bảo đảm, bảo lãnh là sợ, nếu bỏ thì không có nhà đầu tư nước ngoài. Ông Thanh dẫn chứng thực tế sơ tuyển tại các dự án BOT thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhà đầu tư Nhật Bản dù rất quan tâm đến lĩnh vực đường cao tốc nhưng không tham gia, trong đó có lý do là không có bảo lãnh cần thiết.
Ông Thanh cũng nhận định rằng, dù nhà đầu tư rất muốn cơ chế này, nhưng các cơ quan của Việt Nam như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước lại rất vướng. “Quan điểm cá nhân là cần có, căn cứ nhiều vấn đề. Nếu tính về hiệu quả, bỏ ra chi phí bảo lãnh giúp tổng thể hiệu quả tốt hơn đầu tư công thì sao không bảo lãnh?”, ông Thanh đặt vấn đề.
Nếu tính thiệt - hơn, lợi - hại, từ kinh nghiệm nhiều quốc gia đã áp dụng bảo lãnh, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định: “Cơ chế chia sẻ rủi ro của Chính phủ là tốn kém nhưng có thể vẫn rẻ hơn so với chấp nhận tất cả rủi ro”.
Không áp dụng tràn lan
Theo đó, Chính phủ báo cáo UBTVQH 2 cơ chế: cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Chính phủ quyết định cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng trường hợp dự án PPP bằng nghị quyết của Chính phủ. Dự án được xem xét phải thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp dự án (DNDA) đã thực hiện quyền mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, nhưng thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của DNDA. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.
Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Dự thảo Luật thiết kế cơ chế để nhà đầu tư, DNDA được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế; đồng thời cho Chính phủ được nhận lại phần chia sẻ khi dự án tăng thu. Cách tiếp cận này vẫn tôn trọng cơ chế thị trường, đồng thời tránh trường hợp nhà đầu tư ỷ lại, không phát huy năng lực để bảo đảm hiệu quả đầu tư một cách thực chất.
Dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu phải là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cơ quan ký kết hợp đồng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp chia sẻ rủi ro như điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án.