Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 đạt trên 363 nghìn tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Trần Chiến |
Với 344.000 tỷ đồng cần giải ngân trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và đưa kế hoạch giải ngân năm 2023 về đích đúng mục tiêu.
Lượng vốn lớn đã thực hiện, giải ngân
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 đạt trên 363 nghìn tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 9, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng, trung bình 9 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân đạt trên 40 nghìn tỷ đồng/tháng.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân 55.917 tỷ đồng, Hà Nội 25.251 tỷ đồng, TP.HCM 21.987 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 13.396 tỷ đồng, Bình Dương và Hải Phòng mỗi địa phương khoảng 11.000 tỷ đồng...
Nếu tính về số vốn thực hiện, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng quý III/2023 ước đạt gần 183 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm, tăng 30,1% so với quý II và tăng 27,3% cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện ước đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% cùng kỳ năm trước.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng thuộc Tổng cục Thống kê nhận định, khối lượng thực hiện đầu tư công 9 tháng đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng là rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý III, 9 tháng đầu năm và cả năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, đối với đầu tư công 9 tháng, chưa năm nào giải ngân vượt qua 50% kế hoạch năm. Đặc biệt, với đặc thù quy mô vốn năm nay lớn hơn các năm rất nhiều, việc đạt tỷ lệ cao như vậy là điều rất tốt, số tiền tuyệt đối giải ngân cao hơn năm ngoái là hơn 110 nghìn tỷ đồng là con số rất lớn.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, còn khoảng 344 nghìn tỷ đồng cần giải ngân trong thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ảnh: Nhã Chi |
Dồn lực ở chặng nước rút
Trong các nhiệm vụ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh đến giải ngân đầu tư công, trong đó phải tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; kiên quyết không để tình trạng dàn trải, kém hiệu quả. Xác định rõ đây là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn; đồng thời góp phần tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tăng năng lực của nền kinh tế, thu hút đầu tư cho phát triển bền vững.
Quý IV/2023, một lượng vốn rất lớn chưa giải ngân, đang vừa là thách thức, vừa là động lực rất rõ ràng cho tăng trưởng nếu được đưa vào nền kinh tế.
Tính theo vốn thực hiện, Tổng cục Thống kê cho biết, vẫn còn khoảng 40% kế hoạch vốn 2023 cần thực hiện để đạt được mục tiêu giải ngân từ 95% - 100% kế hoạch vốn.
Nếu tính theo số vốn giải ngân, theo số liệu của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 707,04 nghìn tỷ đồng. Như vậy, còn khoảng 344 nghìn tỷ đồng cần giải ngân trong thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Bộ KH&ĐT đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu... Đặc biệt là phải chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công, đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương theo quy định, để bảo đảm thực hiện và giải ngân hết số vốn đã được giao...
Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư công, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng... vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; nghiên cứu xem xét, đề xuất về việc cho phép thực hiện trước một số hoạt động nhằm ghi nhận hiện trạng đất ngay khi dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được phê duyệt...
Để khắc phục nguồn cung đất, cát và nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ thi công, các địa phương kiểm soát chặt chẽ về giá các loại vật liệu chính như cát, đất đắp và đá, tránh tình trạng các chủ mỏ thao túng, liên kết tự ý nâng giá vật liệu. Xử lý nhanh thủ tục và hồ sơ cấp phép khai thác mỏ mới...
Nhiều chuyên gia cho biết, theo quy luật những năm qua, lượng vốn giải ngân sẽ dồn vào quý cuối cùng của năm. Các năm 2021, 2022, dù 9 tháng đầu năm giải ngân chưa đạt 50% kế hoạch, nhưng cả năm vẫn đạt khoảng 93%. Năm nay, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khả năng giải ngân đạt mục tiêu là khả thi. Nhiều địa phương có lượng vốn lớn đã giải ngân gần hết kế hoạch, như Long An giải ngân 93,85%, Bình Dương 91,28%, Đồng Tháp 84,06%, Tiền Giang 83,49%, Bà Rịa - Vũng Tàu 81,52%, Hải Phòng 81,02%...