Đua nhau làm dự án BT: Ôm đất vàng không qua đấu giá (Kỳ 2)

(BĐT) - BT là dạng thức đầu tư đúng đắn nhằm thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước vào phát triển các dự án hạ tầng quy mô lớn. Tuy nhiên, nhìn lại những thương vụ BT diễn ra thời gian gần đây, có thể thấy không ít nhà đầu tư đã nhận được món hời không nhỏ.
Dự án gần 3.000 tỷ đồng xây khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đi Khu đô thị mới Thượng Thanh (Hà Nội) có quy mô hơn 380 nghìn m2. Ảnh: Lê Tiên
Dự án gần 3.000 tỷ đồng xây khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đi Khu đô thị mới Thượng Thanh (Hà Nội) có quy mô hơn 380 nghìn m2. Ảnh: Lê Tiên

Hưởng chênh lệch từ chuyển nhượng dự án

Dự án BT Xây dựng Khu công viên - Hồ điều hoà phía Bắc Nghĩa trang Mai Dịch được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ khoảng tháng 5/2013, với tổng mức đầu tư gần 975 tỷ đồng do Công ty CP Bất động sản Hồng Ngân làm chủ đầu tư.

Đến ngày 18/1/2016, dự án này mới chính thức được khởi công. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tháng 8 năm 2014, một nhà đầu tư khác đã mua lại 99% cổ phần của Công ty Bất động sản Hồng Ngân với giá 1.286 tỷ đồng để trở thành chủ mới của dự án BT này. Như vậy, chỉ hơn một năm sau khi được giao làm chủ đầu tư dự án BT, nhà đầu tư BT đã chuyển nhượng dự án thông qua con đường chuyển nhượng cổ phần và hưởng lợi hơn 300 tỷ đồng.

Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đang vướng lùm xùm về chất lượng công trình cũng là dự án BT rơi vào tình trạng tương tự. Dự án BT đến nay chưa xong, nhưng dự án hoàn vốn gồm Dự án Thanh Hà A tổng mức đầu tư 4.378 tỷ đồng; Dự án Thanh Hà B tổng mức đầu tư 3.641 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng tổng mức đầu tư 3.829 tỷ đồng đã được “sang tay” nhà đầu tư một cách ngoạn mục. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Tập đoàn Mường Thanh đã rót hàng nghìn tỷ đồng để mua gần 60 triệu cổ phần của Cienco 5 Land (doanh nghiệp dự án do Cienco 5 thành lập để thực hiện dự án BT), có thể xem đã trở thành chủ mới của các dự án Thanh Hà A, Thanh Hà B, Mỹ Hưng. Nhờ thương vụ này, các cổ đông của Cienco 5 Land đã “vớ bẫm” với khoản chênh lệch tiền bán cổ phần.

Cơ hội nhảy vào các khu đất “đắc địa”

Việc nhảy vào các dự án BT cũng giúp các nhà đầu tư bất động sản, xây dựng dễ dàng có được các khu đất “đắc địa”. Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, nhà đầu tư muốn có được đất công thì cũng phải trải qua nhiều quy trình phức tạp khó khăn, nhất là việc đấu giá cạnh tranh. Bằng cách đề xuất làm dự án theo hình thức hợp đồng BT, nhà đầu tư không phải đấu giá, mà giá đất được hai bên thỏa thuận, nhiều khi giá không tính theo giá thị trường.

Khu đô thị Thành phố xanh đối ứng cho dự án BT Xây dựng Khu công viên - Hồ điều hoà phía Bắc Nghĩa trang Mai Dịch được giới bất động sản đánh giá là mảnh đất “vàng” tại quận Nam Từ Liêm, với diện tích hơn 17,6 ha, dự kiến quy mô dân số đạt 8.760 người và mật độ xây dựng là 25,5%, vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.500 tỷ đồng.

Việc nhảy vào các dự án BT cũng giúp các nhà đầu tư bất động sản, xây dựng dễ dàng có được các khu đất “đắc địa”
Tháng 4 vừa qua, Công ty CP Khai Sơn cũng chính thức có được dự án gần 3.000 tỷ đồng xây dựng khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đi Khu đô thị mới Thượng Thanh, quận Long Biên với quy mô hơn 380 nghìn m2. Đây là dự án hoàn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến Khu đô thị mới Thượng Thanh theo hợp đồng BT. Với khoảng cách khá gần trung tâm TP. Hà Nội, dự án hoàn vốn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với giá đất khá cao.

Với việc là nhà đầu tư của dự án gần chục nghìn tỷ đồng Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM (giai đoạn 1) theo hợp đồng BT, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đã được giao những khu đất rộng hàng chục nghìn m2 tại quận 7 và quận 9 của TP.HCM, trong đó có khu đất Trung tâm hạt nhân tại phường Phước Long B, quận 9 và khu đất tại số 232 đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, quận 9. Theo một chuyên viên tư vấn bất động sản của Công ty Dịch vụ địa ốc ACB, đất tại khu vực quận 9 đang nóng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ đầu năm nay, do dân cư TP.HCM đang có xu hướng dịch chuyển về khu vực quận 9. Đường Đỗ Xuân Hợp là đường trung tâm của quận 9. Giá trị nhà đất tại đây trong nửa đầu năm nay đã tăng gần gấp đôi so với vài năm trước, và vẫn có thể tăng tiếp.

Công ty CP Đầu tư xây dựng Cát Linh - nhà đầu tư đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng khu tái định cư tại khu vực Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn, phường 11, quận 3 theo hợp đồng BT. Nếu được lựa chọn, nhà đầu tư này sẽ có cơ hội nhảy vào khu đất số 540/21 đường Cách mạng Tháng 8, phường 11, quận 3, TP.HCM. Đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng của TP.HCM, giá trị bất động sản ở đây cũng vào mức cao hàng đầu của Thành phố.