Bến xe khách liên tỉnh phía Nam do Công ty CP Đức Long Đà Nẵng đầu tư đang bị VietinBank rao bán với giá tối thiểu là hơn 48 tỷ đồng. Ảnh: Hà Minh |
Dự án được Công ty CP Đức Long Đà Nẵng (thuộc Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư xây dựng theo chủ trương mời gọi đầu tư xã hội hóa bến xe của chính quyền TP. Đà Nẵng trước đây với số vốn khoảng 150 tỷ đồng. Dự án rộng 6,3 ha, nằm ngay cạnh Quốc lộ 1 và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc địa phận thôn Quá Giang 2, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang).
Bến xe ước tính có công suất phục vụ từ 800 đến 1.000 lượt xe xuất bến/ngày, được kỳ vọng sẽ thu hút các doanh nghiệp đăng ký khai thác, sử dụng cơ sở vật chất tại bến để phục vụ hành khách có nhu cầu đi lại tuyến Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Công trình hoàn thành từ tháng 9/2012, được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Đà Nẵng công nhận đạt quy chuẩn loạt 1. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, Bến xe bị bỏ hoang, không phát huy được giá trị của Dự án.
Ông Nguyễn Tường Cọt, Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai cho biết, Dự án là phần tài sản bảo đảm khoản vay của Đức Long Gia Lai. Sau 10 năm đầu tư không đem lại hiệu quả, không hoàn thành cam kết trả nợ khoản vay, số phận dự án này đang nằm trong tay của VietinBank.
Vừa qua, VietinBank định giá bán/chuyển nhượng tài sản bảo đảm của Đức Long Gia Lai tối thiểu 48,283 tỷ đồng. “Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank. Người mua và bên bảo đảm tự thỏa thuận và thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan quá trình xử lý tài sản”, VietinBank cho biết.
Vì sao một bến xe có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đầu tư theo hình thức xã hội hóa, lại rơi vào cảnh “trùm mền”, xuống cấp và cuối cùng là trở thành tài sản rao bán nợ? Đại diện Đức Long Gia Lai cho biết, chính quyền Đà Nẵng không thực hiện đúng theo Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 24/1/2005 do chính UBND TP. Đà Nẵng ban hành, không đưa Bến xe Trung tâm TP. Đà Nẵng ra phía Bắc quận Liên Chiểu để thành lập bến xe phía Bắc, không phân định tuyến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch.
Một nguyên nhân nữa, theo Đức Long Gia Lai là vào tháng 11/2012, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản không đồng ý điều chuyển một số tuyến vận tải khách từ Bến xe Trung tâm về Bến xe phía Nam, dù trước đó, UBND Thành phố có văn bản giao Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định của TP. Đà Nẵng và các tỉnh có xe đến TP. Đà Nẵng được quyền lựa chọn bến xe nào thuận lợi, chất lượng phục vụ tốt để đăng ký hoạt động theo hướng cạnh tranh bình đẳng. “Điều quan trọng nhất để các phương tiện lựa chọn bến xe là quy hoạch, phân chia luồng tuyến vận tải khách hợp lý trên hai đầu bến xe Nam, Bắc thì Đà Nẵng không làm”, ông Nguyễn Tường Cọt chia sẻ.
Tại thời điểm đó, Đức Long Gia Lai đã kêu cứu đến Bộ GTVT và Bộ cũng đề nghị Đà Nẵng nhanh chóng xây dựng, phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới các tuyến xe khách trên địa bàn và tuyến xe buýt trong TP. Đà Nẵng theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT, tạo điều kiện cho Bến xe phía Nam được phục vụ các tuyến vận tải hành khách trên địa bàn và xe buýt Thành phố... Dẫu vậy, những đề nghị đó đến nay vẫn chưa được thực thi.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng về những bất cập trong quy hoạch hướng tuyến theo phản ánh của chủ đầu tư và định hướng quy hoạch sử dụng đất tại vị trí này của TP. Đà Nẵng trong tương lai. Hiện Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tiếp nhận thông tin và cho biết sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.