Tính chung, từ đầu năm đến 31/5/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công trên 147 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đạt 67% kế hoạch cả năm. |
Thêm một lần nữa, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 5/2016, định hướng giảm lãi suất cho vay được nhấn mạnh. Trong khi đó, một dòng chảy lớn tiếp tục cản trở.
Báo cáo tổng kết hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016 của một ngân hàng thương mại cho thấy, sự hồ hởi đang thể hiện rõ so với năm 2014 đầy chật vật.
Hỗ trợ dòng tiền
Cụ thể, trước tín hiệu nhu cầu trái phiếu tăng mạnh từ cuối tháng 4, sang tháng 5, Kho bạc Nhà nước lại nâng mạnh khối lượng gọi thầu lên mức 50 nghìn tỷ đồng từ mức 36,1 nghìn tỷ đồng của tháng trước.
Tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ huy động thành công trong tháng là hơn 43 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn 5 năm. Tỷ lệ trúng thầu bình quân tháng là 87%.
Nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, trung hạn từ 3-5 năm tiếp tục tăng trong tháng 5. Tỷ lệ trúng thầu các kỳ hạn này duy trì ở mức rất cao, kỳ hạn 3 năm đạt 98%, kỳ hạn 5 năm đạt mức 94%. Tỷ lệ đăng ký/gọi thầu ở hai kỳ hạn này vẫn giữ ở mức khoảng 2-3 lần dù khối lượng gọi thầu ở kỳ hạn 5 năm tăng cao.
Kỳ vọng vào việc lãi suất có thể ổn định hoặc giảm nhẹ theo định hướng của Chính phủ trong khi tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng dư thừa đã hỗ trợ dòng tiền đầu tư vào trái phiếu tăng mạnh.
Một dữ liệu khác cũng cho thấy, trong khi tổng phương tiện thanh toán gần 5 tháng đầu năm tăng gần 6%, thì tăng trưởng tín dụng vẫn tăng khá thấp với hơn 4%. Về nguồn, thay vì đẩy mạnh cho vay hơn nữa thì các ngân hàng tạo nguồn mạnh hơn cho Chính phủ vay, qua phát hành trái phiếu nói trên.
Đáng chú ý, ngoài các kỳ hạn trên, đối với trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, nhà đầu tư lại khá quan tâm tới kỳ hạn 15 năm và 30 năm (tỷ lệ trúng thầu lần lượt là 95% và 77%). Kỳ hạn 10 năm, 20 năm ít nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, tỷ lệ trúng thầu dưới 10%.
5 tháng, 147 nghìn tỷ
Tính chung, từ đầu năm đến 31/5/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công trên 147 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đạt 67% kế hoạch cả năm.
Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn - trung hạn trong xu hướng giảm (ngoại trừ kỳ hạn 5 năm điều chỉnh tăng nhẹ vào tuần cuối tháng). Mức lãi suất giảm mạnh nhất ghi nhận vào phiên 18/5. Lãi suất các kỳ hạn dài từ 10 năm đều khá ổn định.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch tăng lên mức cao kỷ lục từ đầu năm, lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm so với tháng trước. Tổng giá trị giao dịch thông thường (outright) trong tháng 5 đạt khoảng 85 nghìn tỷ đồng, tăng tới 87% so tháng trước.
Giao dịch mua bán của nhà đầu tư nước ngoài sôi động với doanh số mua và bán tăng lên mức cao nhất từ đầu năm. Tính chung tháng 5, khối ngoại mua ròng gần 3,3 nghìn đồng. Tính chung từ đầu năm khối này mua ròng trên 10 nghìn tỷ đồng.
Tổng thể, chỉ sau 5 tháng, trái phiếu Kho bạc Nhà nước phát hành từ đầu quý 2 tới 31/5 đã là 73 nghìn tỷ đồng, như vậy đã hoàn thành được khoảng 102%/91% so với kế hoạch phát hành 70/80 nghìn tỷ đồng đặt ra từ đầu quý.
Theo khối nghiên cứu của ngân hàng thương mại trên, nguồn cung dự báo sẽ duy trì ở mức cao khi thị trường còn thuận lợi.
Nói cách khác, tiếp đà trên, Chính phủ sẽ tiếp tục hồ hởi đi vay. Trong đó, lượng gọi thầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm có thể tiếp tục được tăng mạnh để bù đắp cho nhu cầu yếu ở các kỳ hạn dài. Kỳ hạn 3 năm có thể được đưa ra gọi thầu hạn chế hơn, để dành cho các thời điểm nhu cầu trái phiếu xuống thấp.
Về nhu cầu, dự báo nhà đầu tư vẫn tiếp tục tập trung vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm và 5 năm. Nhu cầu tái đầu tư được duy trì với lượng trái phiếu và tín phiếu Kho bạc Nhà nước đáo hạn trong quý 3 là gần 23 nghìn tỷ đồng. Lãi suất phát hành trái phiếu có thể chỉ giảm nhẹ, sau khi đã giảm mạnh trong tháng 5.
Cẩn trọng lạm phát
Mặc dù nhu cầu trái phiếu vẫn đang khá tốt, những dự báo nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trước những dấu hiệu tăng nhanh hơn của lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh, giá lương thực bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo đó xu hướng giảm của lãi suất và lợi suất khó được duy trì đến cuối quý 3 khi các yếu tố gây áp lực lên lãi suất đang xuất hiện nhiều hơn, bất chấp nỗ lực duy trì lãi suất thấp của Chính phủ.
Với lãi suất cho vay của doanh nghiệp, sự hồ hởi và xu hướng gia tăng hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ nói trên, cũng như tốc độ và lượng đã phát hành trong 5 tháng đầu năm, đã tạo nên sự cạnh tranh, chèn lấn về nguồn.
Chính phủ đẩy mạnh đi vay, các ngân hàng thương mại có thêm “khách hàng” lớn, đầu ra tốt (xét về mức độ rủi ro). Đầu ra càng lớn thì càng chia sẻ nguồn vốn cho vay doanh nghiệp. Nếu như Chính phủ vay bớt đi, thì cung vốn dồn sang cho vay doanh nghiệp sẽ lớn hơn, cung lớn giá giảm, lãi suất cho vay sẽ có thêm thuận lợi để giảm.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang nỗ lực thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất cho vay.
Một mặt, nhà điều hành chính sách tiền tệ tăng cung tiền với tốc độ cao hơn tín dụng, để hỗ trợ nguồn cho phát hành trái phiếu Chính phủ. Mặt khác, lại phải căn ke cung tiền với lạm phát tăng cao trở lại, cũng như phải dự phòng tình huống kênh trái phiếu Chính phủ “nhỡ đâu” hấp thụ kém lại dư thừa tiền đồng mà gây áp lực tỷ giá.
Nhưng, điều Ngân hàng Nhà nước khó nói và khó điều hành chính sách của mình là, một lần nữa, các ngân hàng thương mại lại dùng trái phiếu Chính phủ đến cầm cố và vay vốn, qua các kênh nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong các vòng quay đó, càng rộng, càng đan xen, càng khuếch đại thì, Ngân hàng Nhà nước càng khó kiểm soát.