Tình trạng nhà thầu chào vượt giá kế hoạch tại các gói thầu thuốc diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Tiên Giang |
Tại Gói thầu Cung cấp thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương cho hệ thống nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai năm 2024 - 2025 (hơn 401,022 tỷ đồng), 9 mặt hàng thuốc dự thầu đạt đánh giá về kỹ thuật và được xếp hạng nhất về giá đánh giá, nhưng có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch.
Trong đó, thuốc Ketosteil được Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 chào 14.200 đồng/viên (giá kế hoạch là 13.545 đồng/viên); thuốc Fosmicin tablets 500 được Công ty CP Dược phẩm Thiên Thảo chào 21.900 đồng/viên (giá kế hoạch là 19.000 đồng/viên); thuốc Natrilix SR 1,5mg được Công ty TNHH Dược Kim Đô chào 3.590 đồng/viên (giá kế hoạch là 3.265 đồng/viên).
Hay đơn giá dự thầu của Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội đối với thuốc Actilyse 50mg là 10,83 triệu đồng (giá kế hoạch là 10,323 triệu đồng); thuốc Phosphalugel 12,38g/gói 20g là 4.014 đồng/gói (giá kế hoạch là 3.751 đồng/gói); Cerebrolysin 215,2mg/ml là 104.790 đồng (giá kế hoạch là 101.430 đồng); Voltaren emulgel 1,16g/100g là 68.500 đồng (giá kế hoạch là 63.199 đồng); Otrivin 5mg/10ml là 47.500 đồng/lọ (giá kế hoạch là 42.800 đồng/lọ); Zometa 4mg là 6,46 triệu đồng (giá kế hoạch là 4 triệu đồng).
Tại Gói thầu thuốc Biệt dược gốc (230,939 tỷ đồng) thuộc Dự toán Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc lần 4 năm 2024 của Bệnh viện K, dù đã chào lại giá (ngày 28/10/2024) nhưng giá dự thầu mặt hàng Iodine (dưới dạng Iobitridol 65,81g/100ml) của Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2 vẫn là 1.099.894.000 đồng (cao hơn giá kế hoạch 94.000 đồng).
Tương tự, mặt hàng Meropenem, Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 dự thầu với giá 5.928.000.000 đồng, cao hơn giá kế hoạch 282.600 đồng. Mặc dù đã thương thảo lại giá dự thầu, nhưng Bệnh viện không chọn được nhà thầu trúng thầu.
Tại Gói thầu Thuốc generic gồm 647 mặt hàng (hơn 131,42 tỷ đồng) thuộc Dự toán Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng năm 2024, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) cũng chào giá hàng loạt phần/lô vượt giá kế hoạch và không đồng ý đàm phán để giảm giá. Một số nhà thầu khác cùng tham dự Gói thầu cũng có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có Gói thầu số 7 Mua thuốc generic (187,58 tỷ đồng) thuộc Dự toán Mua thuốc sử dụng tại Bệnh viện năm 2024 - 2025. Một số mặt hàng có giá dự thầu vượt giá kế hoạch và đàm phán chào lại giá không thành công như: Fentanyl (dưới dạng fentanyl citrat) của Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1; Neostigmin metilsu fat của Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha; Cefoperazon của Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hoá, Amikacin của Công ty CP Thương mại và Dược phẩm Ngọc Thiện…
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng ế ẩm nêu trên, một số ý kiến cho rằng, một phần là do giá thị trường biến động, nhất là đối với mặt hàng thuốc nhập khẩu, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến động địa, chính trị…, khiến nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất trên thế giới bị khan hiếm. Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp dược phẩm tại Hà Nội, giá nhập một số thuốc tăng cao, nên nhà thầu không thể tham dự thầu bằng với giá như trước đây.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng có tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực hiện mua sắm, đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập nên chủ đầu tư chọn giải pháp an toàn.
Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế chia sẻ, để lập giá gói thầu phù hợp, sát với thực tế, chủ đầu tư có nhiều công cụ để tham khảo giá như lấy báo giá, tra cứu thông tin giá trúng thầu cập nhật thường xuyên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bên cạnh đó, Hệ thống còn có chức năng hỗ trợ lập giá gói thầu dành cho chủ đầu tư/bên mời thầu/cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Để tổ chức mua sắm, đấu thầu hiệu quả, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các địa phương, đơn vị cần phải linh hoạt trong vận dụng quy định để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, hay dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện.