EU và Hoa Kỳ ngăn chặn Covid -19, không áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam

(BĐT) - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 của Bộ Công Thương vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng Liên minh châu Âu (EU)  hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam.
EU và Hoa Kỳ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam (ảnh: Internet)
EU và Hoa Kỳ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam (ảnh: Internet)

Thông điệp này được lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định trước một số thông tin gần đây cho rằng các nước châu Âu đóng cửa biên giới gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch Covid -19. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng,  việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU và Hoa Kỳ đang hoãn, hủy buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, các nước EU đã có động thái quyết liệt đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. “Việc đóng cửa biên giới này nhằm nhằm bảo vệ sức khỏe của công dân EU, không phải là phong tỏa”, ông Linh khảng định và cho biết, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng đã liên hệ và phía Hoa Kỳ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Tuy nhiên, trước động thái này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, do đây là 02 thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Động thái của họ nhằm hạn chế dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia trên, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thống nhất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi hỗ trợ thị trường.

Về hai thị trường này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU và Hoa Kỳ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang thị trường EU; trong đó các mặt hàng đem lại kim ngạch tỷ USD là dệt may, da giày, nông sản, máy móc thiết bị... Với Hoa Kỳ, Việt Nam xuất khẩu dệt may gần 15 tỷ USD vào thị trường này năm 2019. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ vẫn đạt xấp xỉ 2,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay dù ảnh hưởng của dịch Covid -19. Theo đó, để hạn chế ảnh hưởng cho DN do các động thái phòng, chống dịch của các nước,

Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, trong tuần này, Cục sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm hiểu khó khăn, đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vừa qua, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác kết nối cung cầu để điều tiết thị trường khẩu trang do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng là Tổ trưởng. Tổ công tác sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất và phân phối tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa. Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Còn các DN cần có sự chủ động và trách nhiệm, có tính toán cụ thể để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid -19 Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng sản xuất công nghiệp của Việt Nam giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi qua. Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2/2020 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn bốn năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 6,2%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm trước. Hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động của dịch Covid-19 đều có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Tin cùng chuyên mục