EVFTA thúc giục cải cách hành chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hiện được coi là chìa khóa để Việt Nam thực thi thành công EVFTA.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Việt Nam đã đạt hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Ảnh: Lê Tiên
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Việt Nam đã đạt hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đang phải vật lộn với các tác động của đại dịch Covid - 19, Việt Nam có cơ hội vàng để tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các doanh nghiệp (DN) châu Âu. Để nắm bắt tốt cơ hội này, việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các DN hiện được coi là chìa khóa để Việt Nam thực thi thành công EVFTA.

Hội nghị đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các DN đã nêu ra khó khăn, vướng mắc liên quan tới các quy định của EVFTA; môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam…

Bà Nguyễn Thị Hoàng Phượng, Công ty TNHH Virbac Việt Nam cho biết, DN kinh doanh dược phẩm thú y này hiện đang mắc kẹt với các quyết định xử phạt hành chính của 9 lô hàng hóa thuốc thú y nhập khẩu trong thời gian từ tháng 6/2018 - 8/2019 do liên quan tới thủ tục hành chính nhập khẩu.

Cụ thể, Nghị định 73/2018/NĐ-CP (NĐ73) quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất, trong đó có danh mục các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y. Trong 9 lô hàng của Công ty được nhập khẩu từ tháng 6/2018 - 8/2019, có chứa 2 hoạt chất nằm trong danh mục này của NĐ73. Tuy nhiên, trong thời gian này, DN không nhận được bất kỳ hướng dẫn nào của cấp có thẩm quyền (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) để được cấp phép nhập khẩu và lưu hành 9 lô hàng hóa. Đến tháng 6/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu lại có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 lô hàng của Công ty do thiếu giấy phép của Bộ NN&PTNT.

Đại diện DN cho rằng, DN bị xử phạt như vậy là chưa hợp lý, cũng như cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc thiếu thông tư hướng dẫn thực thi Nghị định để các DN thực hiện chưa đúng, dẫn tới bị xử phạt hành chính.

Trên đây chỉ là một trong nhiều vướng mắc DN đang gặp phải liên quan tới TTHC.

Sau khi lắng nghe trình bày của DN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, NĐ73 giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc kiểm soát, cấp phép xuất/nhập khẩu chất ma túy và tiền chất sử dụng trong lĩnh vực thú y được ban hành 2 năm qua mà Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, để DN mỗi 1 lô nhập khẩu lại phải lên Cục Thú y xin cấp phép là không được. Bộ NN&PTNT phải ban hành các văn bản hướng dẫn để DN áp dụng, đề nghị Bộ xem xét lại cách làm, giải quyết kiến nghị này của DN.

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier bày tỏ, trong khi nhiều nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với các tác động của đại dịch Covid – 19, Việt Nam đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các DN châu Âu. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội vàng, cơ quan thẩm quyền của Việt Nam phải tiếp tục thực hiện các giải pháp, nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư cởi mở cho DN.

Tại Hội nghị, ông Dũng tiếp tục khẳng định lại quan điểm của Chính phủ là, lấy DN và người dân để xây dựng định hướng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ. Hiện thực hóa định hướng này, ông Dũng chia sẻ với các DN châu Âu tại Việt Nam, từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Về phía Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, sẽ tổng hợp quá trình đối thoại để sau Hội nghị phối hợp với EuroCham tại Việt Nam hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Dũng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục