Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam EVFTA và EVIPA |
Theo ông Khánh, EU là một trong những đối tác kinh tế đầu tiên dành hạn ngạch cho dệt may Việt Nam, đồng thời là đối tác đầu tiên kết thúc đàm phán với Việt Nam về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Hai bên kết thúc đàm phán song phương vào năm 2004, tức là sau 2 năm trước khi Việt Nam kết thúc toàn diện đàm phán gia nhập WTO”, Trưởng đoàn đàm phán chia sẻ.
Trên nền tảng của sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc và mối quan hệ kinh tế - thương mại bền chặt, 2 bên quyết định nâng tầm quan hệ bằng việc đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do. Dù đây là một FTA thế hệ mới với những cam kết toàn diện và chất lượng cao, song EU tin tưởng Việt Nam sẽ có đủ năng lực thực thi hiệp định. “Sự tin cậy đó là có cơ sở, bởi EU đã có một thời gian dài chứng kiến Việt Nam thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế của mình, không chỉ cam kết gia nhập WTO mà còn các cám kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1995 đến nay rất nghiêm túc”.
Và do hiểu biết, tin cậy lẫn nhau nên tại 2 hiệp định này tiến trình đàm phán đã diễn ra tương đối thuận lợi. Thời gian kết thúc toàn diện đàm phán chưa đến 3 năm, chính xác là 2 năm 10 tháng – thời gian ngắn kỷ lục kể từ phiên đàm phán đầu tiên.
Việc ký kết 02 hiệp định giữa Việt Nam và EU là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hai bên. Tuy nhiên, đây mới là bước đi đầu tiên. Lý do là, hai bên vẫn phải trải qua một bước nữa để đưa ra 2 Hiệp định vào thực thi, đó là trình Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn 2 hiệp định.
Chính phủ Việt Nam và Ủy ban châu Âu cùng hy vọng tiến trình phê chuẩn 2 hiệp định sẽ siễn ra suôn sẻ. Trong những ngày tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị hồ sơ trình phê chuẩn 2 hiệp định. Nhiều khả năng Thủ tướng Chính phủ sẽ phân công Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về chuẩn bị bộ hồ sơ trình phê chuẩn về EVFTA , Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về bộ hồ sơ trình phê chuẩn EVIPA.
Về quy trình phê chuẩn Hiệp định, ông Khánh chia sẻ: “Với Việt Nam, theo đúng quy trình quy định tại Luật Điều ước, Chính phủ sẽ trình bộ hồ sơ xin phê chuẩn sang Chủ tịch nước và Chủ tịch nước sẽ quyết định việc trình ra Quốc hội để xin phê chuẩn”.
Với EU, quy trình phê chuẩn có sự khác biệt giữa EVFTA và EVIPA. Cụ thể, với EVFTA chỉ cần Nghị viện châu Âu phê chuẩn là có thể có hiệu lực ngay. Phía EU gọi là hiệu lực “tạm thời” bởi sau đó, về nguyên tắc, EVFTA vẫn phải được Nghị viện 28 nước thành viên EU phê chuẩn. EVIPA thì khác, hiệp định này phải được Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 28 nước thành viên thông qua thì mới có hiệu lực.
Liên quan đến việc tuyên truyền các Hiệp định nêu trên, ông Khánh khẳng định: “Không phải tới bây giờ Bộ Công Thương và các bộ, ngành mới bắt tay vào việc tuyên truyền Hiệp định”.
Các thông tin về thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã được Bộ Công Thương công bố từ cuối năm 2015, đầu năm 2016. Đồng thời, với sự hỗ trợ của Dự án MUTRAP do EU tài trợ đã có rất nhiều tài liệu giải thích cam kết được xuất bản. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có trang thông tin giới thiệu riêng về Hiệp định tới cộng doanh nghiệp…