EVIPA tạo động lực cải cách nhanh, hiệu quả hơn

(BĐT) - Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 20/5 cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việc thông qua Hiệp định EVIPA là cơ hội để tiếp cận dòng vốn đầu tư với công nghệ hiện đại đến từ châu Âu. Ảnh: Tiên Giang
Việc thông qua Hiệp định EVIPA là cơ hội để tiếp cận dòng vốn đầu tư với công nghệ hiện đại đến từ châu Âu. Ảnh: Tiên Giang

Cho ý kiến về Hiệp định EVIPA, hầu hết các đại biểu kiến nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định ngay trong kỳ họp này nhằm tạo áp lực thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn, đón các cơ hội đầu tư.

Khơi thông dòng vốn đầu tư từ EU

Với 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục, Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, việc thực hiện cam kết theo Hiệp định sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. 

Báo cáo thuyết minh về Hiệp định được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội chỉ ra nhiều cơ hội cho Việt Nam từ EVIPA. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA có tác động tích cực giúp Việt Nam thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, phục hồi nền kinh tế. Hiệp định tác động tích cực tới việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...

Cho ý kiến về Hiệp định, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định tại kỳ họp này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, khi Hiệp định được phê chuẩn sớm, Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư từ châu Âu, đặc biệt là cơ hội đón dòng vốn FDI đang dịch chuyển... Thời gian qua, Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI, nhưng khu vực châu Âu có số dự án và số vốn đầu tư còn khiêm tốn. Vì thế, việc thông qua Hiệp định là cơ hội để chúng ta tiếp cận dòng vốn đầu tư với công nghệ hiện đại đến từ châu Âu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá, tăng cường hợp tác với EU, chúng ta có điều kiện khơi thông dòng chảy vốn FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam, từ đó cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Lộc, giống như một con đường cao tốc hội nhập với EU, việc Quốc hội bấm nút thông qua Hiệp định cũng chính là bấm nút thông xe con đường cao tốc tới EU. Một số đại biểu khác cho rằng, Hiệp định là thời cơ vàng để Việt Nam vươn lên, nâng tầm… 

“Bắt đầu cuộc đua chứ không bắt đầu bữa tiệc”

Các ý kiến tại Phiên họp cũng lưu ý, bên cạnh những tác động tích cực, EVIPA cũng có một số thách thức đối Việt Nam như: áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài; yêu cầu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo Hiệp định.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Hiệp định có một số nội dung chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam nên theo quy định của Hiến pháp và Luật Điều ước quốc tế, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn Hiệp định. Đối với các quy định tại Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3.57 Chương 3 quy định về cơ chế thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định (phán quyết EVIPA) chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép công nhận và thi hành phán quyết EVIPA tại một nghị quyết riêng của Quốc hội.

Để Hiệp định mang lại “trái ngọt”, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường năng lực thực thi để hiện thực hóa các cơ hội từ Hiệp định. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), khi 2 hiệp định có hiệu lực nghĩa là chúng ta bắt đầu cuộc đua chứ không bắt đầu bữa tiệc. Nếu không chuẩn bị tốt, chúng ta có thể tụt hậu, ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình, khi đó bữa tiệc người khác sẽ ăn. Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) nói: “Trong cuộc đua này, mong Chính phủ rút kinh nghiệm quá trình hội nhập vừa qua để có những chiến lược, kế hoạch nắm thời cơ vàng này cho Việt Nam gia nhập đội ngũ quốc gia phát triển”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để nắm bắt cơ hội, bởi đây là nhu cầu tất yếu để đất nước phát triển, chứ không phải có hiệp định với EU chúng ta mới làm. “Hiệp định tạo áp lực cải cách nhanh và thực chất, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.