Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Chính phủ Việt Nam nhất quán coi khu vực FDI là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam, khu vực đầu tư trong nước là nguồn lực quyết định và sẽ tiếp tục có những chính sách vừa tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để đón sóng FDI trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, vừa tạo hành lang thông thoáng thúc đẩy DN trong nước lớn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ khi nhìn lại 30 năm thu hút FDI và định hướng thời gian tới.
Hiện là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chính sách thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, 29 năm trước là một trong những cán bộ đầu tiên của Trung tâm Thẩm định dự án đầu tư nước ngoài thuộc Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ KH&ĐT), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có lẽ là người có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, nhiều dấu ấn đáng nhớ, nhiều trăn trở và tâm huyết với hành trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI.
Phát súng hiệu của công cuộc Đổi mới
Chỉ một năm sau quyết định lịch sử về công cuộc Đổi mới đất nước, ngày 29/12/1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam.
Nhớ lại thời điểm đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, những năm đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước vô vàn khó khăn: Tăng trưởng GDP trung bình chỉ có 4,4%, quy mô nền kinh tế nhỏ bé với 6,29 tỷ USD năm 1989, hàng hóa, lương thực thiếu, lạm phát 3 con số, công nghiệp, nông nghiệp kiệt quệ, lại chịu áp lực bởi cấm vận. Đầu tư tư nhân trong nước lúc đó chưa hình thành. Trong bối cảnh này, Đảng, Nhà nước đã xác định thu hút ĐTNN là cánh cửa để phát triển kinh tế, để thoát đói nghèo, dù thực tiễn, kinh nghiệm, hiểu biết về ĐTNN chưa có.
Đến giờ nhìn lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc ban hành Luật ĐTNN 1987 là quyết định rất táo bạo nhưng đúng đắn, chính xác, kịp thời, tạo ra bước ngoặt thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia. Đó là phát súng hiệu đầu tiên của công cuộc Đổi mới, và dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sau đó đã thổi luồng sinh khí mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Sau 30 năm kể từ lúc đón nhận dự án FDI đầu tiên, đã có hơn 170 tỷ USD vốn FDI giải ngân vào Việt Nam. Cũng trong thời gian này, nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến dài. Năm 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt 2.385 USD, tăng khoảng 24 lần so với năm 1989, quy mô nền kinh tế năm 2017 đạt hơn 220 tỷ USD. Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của nhiều nền kinh tế lớn, có tiếng nói và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Trong đó, không thể phủ nhận khu vực FDI có đóng góp quan trọng. Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ nhìn về số lượng, 170 tỷ USD vốn FDI đã giải ngân bù lấp rất nhiều thiếu hụt về nguồn lực, chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giải ngân FDI mỗi năm trung bình khoảng 8% GDP.
Bên cạnh những kết quả có thể định lượng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến tác động lan tỏa khi dòng vốn FDI kéo theo sự nhập cuộc tích cực của các thành phần kinh tế khác; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“DN FDI như con ong chăm chỉ thụ phấn, tạo nên trái ngọt, đem lại lợi ích cho chính nhà đầu tư, đồng thời đóng góp rất nhiều cho đất nước. Cho dù còn mặt này mặt kia chưa đạt, nhưng không thể phủ nhận là cộng đồng DN FDI đã góp phần thay đổi một cách căn bản diện mạo kinh tế Việt Nam trong thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Đã đến lúc chúng ta có quyền lựa chọn thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, những dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiềm năng và lợi thế so sánh của Việt Nam.
Các dự án được lựa chọn phải thân thiện với môi trường, phù hợp với biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực DN trong nước.
Cũng là chuyện thường tình khi nhìn lại một hành trình dài đã qua, người ta vẫn đong đếm được gì, mất gì. 30 năm là quãng thời gian đủ dài để định vị lại, trăn trở được - mất và nhận diện mặt được - chưa được, từ đó định hình con đường đi tiếp. Tuy nhiên, sự trăn trở ấy rất cần một cái nhìn toàn diện, thay vì định kiến.
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến so sánh được - mất là những thành quả mà DN FDI đem lại có tương xứng với quá nhiều ưu đãi mà họ được hưởng. Thậm chí có ý kiến cho rằng khu vực FDI đã chèn ép, lấn át sự phát triển của khu vực DN trong nước, làm mất tính tự chủ của nền kinh tế, hình thành hai nền kinh tế trong một đất nước.
“Có lý do để quan ngại như vậy, nhưng không nên quá vội vã và quy kết hoặc ứng xử chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Cần nhận diện rõ những vấn đề của khu vực FDI còn tồn tại là do nguyên nhân từ đâu, từ thể chế chính sách hay do khâu thực thi, từ năng lực của chúng ta hay sự cố ý, cố tình của nhà đầu tư…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Nhìn lại khi bắt đầu có Luật ĐTNN năm 1987, khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa hình thành. Đến năm 1990, Việt Nam mới ban hành Luật Công ty, Luật DN tư nhân và DN tư nhân trong nước chủ yếu tuổi đời và kinh nghiệm làm kinh doanh ngắn. Năng lực của DN trong nước đến nay còn hạn chế, quy mô nhỏ bé bởi một phần nguyên do từ lịch sử phát triển khá đặc thù này.
Theo quy định từ các văn bản luật đã ban hành liên quan đến ĐTNN, có thể thấy việc DN FDI được ưu đãi nhiều hơn có thể là đúng phần nào ở thời kỳ đầu thu hút FDI, khi Việt Nam mới mở cửa, khát vốn, làm không đủ ăn, chưa nói đến phát triển kinh tế, thoát nghèo. Chính sách khi đó được thiết kế thông thoáng, hấp dẫn để thu hút được vốn FDI, bổ sung nguồn lực cho xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2005, khi Luật DN được ban hành, hợp nhất pháp luật về ĐTNN và DN trong nước thì không còn cơ chế ưu đãi riêng với ĐTNN. “Từ năm 2005 đến nay không còn một điều kiện gì khác biệt để nói rằng DN FDI được ưu đãi hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Bộ trưởng cho biết, tất cả các chính sách kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay đều là để hỗ trợ ưu tiên khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trong giai đoạn này tập trung mọi công cụ về thể chế, cải cách lớn nhất để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, coi đó là động lực quan trọng để nền kinh tế phát triển bền vững.
Thực tế, trong những năm gần đây, Chính phủ đã rất quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang được thi hành; việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật DN cũng sẽ mở ra nhiều cơ chế chính sách để phát triển nhanh khu vực kinh tế tư nhân; cùng với rất nhiều nỗ lực đổi mới công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo sắp được xây dựng sẽ hỗ trợ phát triển công nghệ cho DN trong nước.
Nhìn nhận đúng vai trò của khu vực FDI, nhưng là người gắn bó, trực tiếp làm công tác quản lý, thu hút FDI trong nhiều năm, với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là tính kết nối, chuyển giao công nghệ của khối DN nước ngoài cho các thành phần kinh tế khác đến nay vẫn còn hạn chế; vẫn còn những dự án gây ô nhiễm môi trường; tác động lan tỏa của FDI đối với nền kinh tế chưa được như kỳ vọng…
“Chính phủ, Bộ KH&ĐT rất đau đáu, trăn trở về vấn đề chuyển giao công nghệ, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước. Đó là câu hỏi rất lớn mà chúng tôi liên tục đặt ra với các hiệp hội, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài”, người đứng đầu ngành KH&ĐT chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân mấu chốt của kết nối chưa chặt chẽ là sự chênh lệch khá lớn giữa trình độ công nghệ, tiêu chuẩn, trình độ quản lý của DN nước ngoài với DN trong nước. Ngoài ra, các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường có sẵn hệ thống phân phối, hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng từ trước. Vì thế, song song với duy trì thu hút FDI hợp lý, phải hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam lớn mạnh hơn. “Khi DN trong nước phát triển tiệm cận quy chuẩn, trình độ của DN FDI thì tự khắc hai khu vực liên kết được với nhau, đó là nhu cầu tự thân của DN, chứ không thể kêu gọi hô hào, không thể ép chuyển giao công nghệ, ép DN FDI liên kết với DN trong nước một cách duy ý chí”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Chủ động tạo bộ lọc thu hút vốn FDI, đón xu hướng FDI mới
Bộ KH&ĐT gửi lời cảm ơn tới tất cả các nhà đầu tư, các DN nước ngoài đã đến, đầu tư, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 30 năm qua.
Việt Nam đang hội đủ các yếu tố thuận lợi: có thị trường lớn, chính trị ổn định, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, vị thế, vai trò cao hơn trong khu vực. Nhiều vấn đề tồn tại của nền kinh tế đang được khơi thông, trong đó có nỗ lực hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho mọi hình thức đầu tư, trong đó có ĐTNN... Đây là những cơ sở, động lực để các nhà đầu tư đến, làm ăn lâu dài, mở rộng đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn và đồng hành cùng Việt Nam phát triển.
Trên cơ sở nhận diện những hạn chế, những mặt chưa được trong thu hút FDI, cũng như bối cảnh mới của đất nước, của thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ có điều chỉnh chiến lược, chính sách thu hút, sử dụng FDI phù hợp hơn. Chính phủ nhất quán chủ trương coi khu vực FDI là bộ phận máu thịt, một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian tới chắc chắn vẫn thu hút FDI nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có bộ lọc chứ không thu hút theo chiều rộng, bằng mọi giá để chạy theo số lượng, không hy sinh môi trường để lấy dự án. Đã đến lúc chúng ta có quyền lựa chọn thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, những dự án phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiềm năng và lợi thế so sánh của Việt Nam. Các dự án được lựa chọn phải thân thiện với môi trường, phù hợp với biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực DN trong nước.
Bộ trưởng cho biết, một trong những xu hướng FDI mới sẽ phát triển thời gian tới là mua bán và sáp nhập (M&A), không chỉ một chiều là DN FDI mua lại DN trong nước mà cả theo chiều ngược lại - DN Việt Nam mua lại DN FDI. Đây là hình thức rất tốt để thúc đẩy liên kết giữa hai khu vực. Đặc biệt, khi DN Việt Nam mua lại DN FDI sẽ ngay lập tức nắm được công nghệ, có thị trường, trực tiếp tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị của DN FDI. Con đường này sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc DN bắt đầu từ đầu, xây dựng thị trường, xây dựng thương hiệu.
Đặc biệt, theo nhiều phân tích, bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện nay, nhất là trào lưu bảo hộ thương mại của nhiều nước, vừa đặt ra thách thức, vừa mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút được những dòng vốn FDI mới. Nếu Việt Nam khẳng định không theo trào lưu bảo hộ, kiên định con đường hội nhập kinh tế một cách khéo léo để không bị các nước có trào lưu bảo hộ tấn công, Việt Nam sẽ là nơi an toàn để đầu tư. Hơn nữa, Việt Nam đang tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do trong khu vực và toàn cầu, trong đó có những nền kinh tế lớn ở châu Á, Bắc Mỹ, EU, mở ra thị trường rất rộng lớn cho các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
Theo vị tư lệnh ngành KH&ĐT, trong bối cảnh mới, đặc biệt khi tác động của CMCN 4.0 ngày càng rõ nét, nhiều hình thức, phương thức đầu tư phi truyền thống đã hình thành, như mô hình kinh tế chia sẻ, mà Việt Nam có thể tận dụng, ưu tiên thu hút. Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, hạ tầng, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo để đón được dòng vốn FDI mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, từ đó hỗ trợ DN trong nước, nền kinh tế Việt Nam nắm được nhanh nhất cơ hội từ CMCN 4.0.