Không những tin tưởng lựa chọn địa điểm đầu tư từ những ngày đầu Việt Nam mở cửa, nhiều doanh nghiệp (DN) còn cam kết sẽ tiếp tục mở rộng, tăng quy mô đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào thời điểm 30 năm trước, thành tựu nêu trên là một điều không tưởng. Để Việt Nam mở cửa, hội nhập, đón dòng vốn đầu tư từ các DN nước ngoài, không thể không kể đến một sự kiện mang tính lịch sử - thông qua Luật ĐTNN vào cuối năm 1987.
Công cuộc “Đổi mới” của Việt Nam được ghi nhận bắt đầu từ năm 1986. Đây là thời điểm chạm đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội dưới mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Cả nước thiếu lương thực và hàng tiêu dùng trầm trọng; lạm phát lên tới ba con số (774,7%); các cơ sở sản xuất đình trệ; nền kinh tế trì trệ do bao vây cấm vận và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Hiến pháp năm 1980 khi ấy chỉ đề cập đến 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể.
Trong khi đó, khối các nước xã hội chủ nghĩa, Liên Xô và Hội đồng Tương trợ kinh tế tan rã, nguồn viện trợ cho Việt Nam không còn. Trong khu vực, nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, thu hút ĐTNN, mở cửa thị trường, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, nhờ đó đạt được nhiều thành công với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 8%/năm.
Trước những khó khăn và thách thức đó, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã xác định mục tiêu xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và mở cửa hợp tác ĐTNN là “phải có chính sách khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta dưới nhiều hình thức, nhất là đối với các ngành và cơ sở đòi hỏi kỹ thuật cao, làm hàng xuất khẩu. Đi đôi với việc công bố Luật ĐTNN, cần có chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và Việt kiều vào nước ta để hợp tác kinh doanh”.
Để thực hiện được mục tiêu này, tạo hành lang pháp lý cho việc huy động nguồn lực nước ngoài, Luật ĐTNN đã ra đời vào năm 1987. Đạo luật này được xem như một phát pháo sáng về việc đổi mới tư duy, một bước ngoặt mang tính lịch sử của cả dân tộc. Thực tế, tại thời điểm đó, vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc mở cửa đến đâu, một phần hay hoàn toàn... Tại thời điểm đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia mới chỉ dám mở cửa từ từ từng bước một và đưa ra giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, trong khi chúng ta không đưa ra một giới hạn nào, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30% cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.
Giấy phép đầu tư nước ngoài đầu tiên cho phép thành lập Xí nghiệp liên doanh Vicarent tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Sau khi Luật ĐTNN 1987 ra đời, bức tranh kinh tế của Việt Nam đã có những tiến triển như thế nào?
Trên tinh thần những nguyên tắc lớn từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 về mở cửa và hội nhập, tháng 12/1987, Quốc hội đã thông qua Luật ĐTNN. Sau khi Luật ĐTNN ra đời, đầu năm 1988, Chính phủ đã giao Bộ Kinh tế đối ngoại nhiệm vụ thẩm định và cấp phép dự án ĐTNN. Đến tháng 3/1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) chính thức được thành lập với nhiệm vụ làm đầu mối tiếp quản và thực hiện các công việc có liên quan về ĐTNN tại Việt Nam.
Mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà sau đó phải sửa đổi, bổ sung qua các thời kỳ, nhưng Luật ĐTNN 1987 - đạo luật đầu tiên vẫn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đến hết năm 1990, chúng ta đã có 213 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD. Và sau khoảng 10 năm đầu, đến năm 1997, khu vực ĐTNN đã đóng góp 9,07% trong GDP, số lượng dự án ĐTNN đạt 2.341 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 35,56 tỷ USD, vốn thực hiện là 13,37 tỷ USD cho cả giai đoạn 1988 - 1997.
Mặc dù trong những năm đầu, số lượng vốn ĐTNN tăng chậm và còn khá khiêm tốn so với một số nước trong khu vực, nhưng lại có một ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam. Nguồn vốn ĐTNN là nguồn tài chính quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua gian khó trong những ngày đầu Đổi mới, nhất là trong bối cảnh bị Mỹ bao vây, cấm vận. ĐTNN đã giúp khai thông, mở rộng quan hệ quốc tế, bình thường hóa quan hệ với các định chế tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á); làm tiền đề cho việc Việt Nam tham gia ASEAN, APEC, hợp tác với EU; cũng như việc Chính phủ Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận kinh tế, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995... ĐTNN được xem như người công binh mở đường cho nền kinh tế thị trường.
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)
Quan điểm của ông trước ý kiến cho rằng, mặc dù Luật ĐTNN 1987 có vai trò lịch sử rất to lớn, nhưng thực tế vẫn còn những điểm hạn chế, bất cập?
Tuy là một chuyển biến lớn trong tư duy, nhưng việc mở cửa hợp tác ĐTNN trong 10 năm đầu khá thận trọng, mang tính thăm dò, mới chỉ hướng đến các dự án sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu, sản xuất hàng xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu và tài nguyên sẵn có, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy một số dịch vụ thu tiền nước ngoài để tăng nguồn thu ngoại tệ. Hầu hết các ngành dịch vụ chưa mở cửa. Nhà ĐTNN chưa được đầu tư dưới hình thức cổ phần cũng như mua bán và sáp nhập.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về ĐTNN là cả một quá trình mang tính “vừa làm, vừa học” theo phương châm “dò đá qua sông” vì chúng ta chưa có kinh nghiệm. Trước khi có Luật ĐTNN 1987, văn bản pháp quy đầu tiên quy định về ĐTNN là Nghị định số 115/CP ngày 18/4/1977 ban hành Điều lệ về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (còn gọi là Điều lệ đầu tư 1977). Kể từ khi Luật ĐTNN 1987 ra đời, qua 2 lần sửa đổi, bổ sung (năm 1990 và năm 1992), năm 1996, Quốc hội thông qua Luật ĐTNN mới và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000. Đến năm 2005, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư thay thế Luật ĐTNN và Luật Đầu tư trong nước. Gần đây nhất là Luật Đầu tư năm 2014 thay thế Luật Đầu tư 2005.
Trong đó, Luật Đầu tư năm 2014 được coi là một bước đột phá thông qua thể chế hóa nguyên tắc hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong mọi ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Việc tập hợp và rà soát Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại luật này theo phương pháp loại trừ (chọn bỏ) đã góp phần đổi mới căn bản nguyên tắc áp dụng pháp luật, từ việc nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được đầu tư kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định có điều kiện.
Không dừng lại ở đó, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được giao rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư 2014. Theo đó, một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới như: Rà soát các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, loại bỏ bớt các điều kiện không cần thiết, không hợp lý; rà soát sự chồng chéo, không thống nhất giữa các luật; sửa đổi các bất cập, hạn chế về thủ tục, quy trình đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, nhà đầu tư...