Công viên Khoa học Công nghệ sẽ là công viên khoa học thứ hai của TP HCM sau công viên phần mềm Quang Trung được xây dựng từ năm 2000. |
UBND TP HCM vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu công viên Khoa học và Công nghệ tại phường Long Phước (quận 9) rộng gần 200 ha - nằm giữa Khu Công nghệ cao hiện hữu và Đại học Quốc gia TP HCM.
Công trình có tổng vốn gần 4.300 tỷ đồng sẽ là nơi tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế, tạo sản phẩm chất lượng…
Đây cũng là nơi ươm tạo doanh nghiệp và đào tạo nhân lực công nghệ cao cho TP HCM với khoảng 15.000 người, trong đó khoảng 10-15% là lao động thường trú.
Dự kiến, công viên sẽ có nhiều phân khu chức năng như: khu nghiên cứu thí nghiệm, cải tiến và chuyển giao công nghệ; khu dành cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao với mục tiêu áp dụng triển khai các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất cũng như nghiên cứu cải tiến...
Định hướng là công viên khoa học nên yếu tố không gian mở và cây xanh được ưu tiên hàng đầu trong việc tổ chức không gian và sử dụng đất.
Ngoài ra, với đặc điểm địa hình sông Tắc bao quanh, thành phố yêu cầu tổ chức không gian công viên vừa đảm bảo khôi phục và tôn tạo được hệ sinh thái tự nhiên, vừa thích hợp sử dụng giao thông công cộng đường thủy. Đồng thời, công viên phải được kết nối metro, các tuyến xe buýt… để giảm sử dụng phương tiện cá nhân.
Chính quyền thành phố cũng chấp thuận hướng tuyến và quy mô xây dựng đường nối Khu Công nghệ cao với Công viên khoa học và công nghệ thành phố, bao gồm cả công trình cầu bắc qua sông Tắc. Tuyến đường mới sẽ góp phần cải thiện giao thông giữa hai khu vực, thúc đẩy phát triển trong tương lai.
Trước đó, hồi tháng 8 UBND TP HCM đã giao UBND quận 9 lập kế hoạch thu hồi đất sau khi Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án Công viên Khoa học và Công nghệ. Dự kiến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho 22 hộ dân là hơn 815 tỷ đồng, rà phá bom mìn gần 8 tỷ đồng...
Công viên phần mềm Quang Trung là công viên khoa học - công nghệ đầu tiên của TP HCM được thành lập từ năm 2000, sau khi lãnh đạo thành phố tham quan một số mô hình khu Công viên phần mềm thành Công của một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia...
Đây cũng là công viên phần mềm lớn nhất tại Việt Nam và là đơn vị đầu tiên chính thức nhận được Giấy chứng nhận Khu Công nghệ thông tin tập trung đầu tiên do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.