Gánh nặng phí giao thông đường bộ

(BĐT) - Giá xăng dầu giảm liên tục, nhưng doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ không chịu giảm cước vận tải, hoặc giảm không tương xứng với mức giảm giá xăng dầu vì cho rằng, phí sử dụng đường bộ đối với dự án BOT quá cao.
Đề nghị lùi thời hạn tăng phí đối với 23 trạm thu phí BOT của Bộ Giao thông vận tải không được Bộ Tài chính chấp thuận. Ảnh: Tất Tiên
Đề nghị lùi thời hạn tăng phí đối với 23 trạm thu phí BOT của Bộ Giao thông vận tải không được Bộ Tài chính chấp thuận. Ảnh: Tất Tiên

Không thể lùi thời hạn tăng phí

Trước thực tế này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã từng đề nghị Bộ Tài chính lùi thời hạn tăng phí đối với một số trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Tài chính “chuẩn y”.

Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ theo hình thức PPP (hợp đồng BT, BOT...) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện chủ trương này, cần phải có chính sách thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bà Vũ Thị Mai cho biết, theo quy định, tại các dự án BOT giao thông trên các tuyến quốc lộ, việc xây dựng đề xuất dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng và khai thác kinh doanh; xây dựng phương án tài chính của dự án, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án do GTVT quyết định. Sau khi dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ GTVT xem xét.   

Sắp tới, trên địa bàn Quảng Nam có ít nhất 4 trạm thu phí. Người dân Quảng Nam ra khỏi nhà là phải nộp lệ phí giao thông đường bộ. Ông Ngô Văn Minh, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Về đề nghị lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn của 23 dự án BOT đến ngày 1/6/2016 thay vì phải điều chỉnh tăng phí kể từ ngày 1/1/2016 của Bộ GTVT, Bộ Tài chính khẳng định, đề nghị này chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT đã ký và không thể ban hành thông tư lùi thời hạn tăng phí, vì theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư hướng dẫn chỉ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành. Ngoài ra cần phải có thời gian cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục công khai mức thu phí; thời gian áp dụng; in, phát hành vé thu phí... trước khi triển khai áp dụng mức phí mới.

Hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ GTVT chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí 5 tháng đối với 23 trạm, trong khi đó vẫn đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn 7 dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản. Đây cũng là lý do được Bộ Tài chính viện dẫn để khước từ đề nghị chưa tăng phí giao thông đối với 23 trạm thu phí giao thông BOT. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, việc tăng phí đúng lộ trình là để đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư, tôn trọng cam kết với nhà đầu tư, ổn định tâm lý của nhà đầu tư và môi trường đầu tư ở Việt Nam.

“Nhiều đoạn đường đi vô cùng vất vả, nếu nhà đầu tư bỏ tiền ra làm thì người tham gia giao thông phải “mua đường” là hợp lý. Chúng ta khuyến khích, kêu gọi mãi người ta mới đầu tư, bây giờ người tham gia giao thông bỏ tiền ra nộp phí để đi lại được thuận tiện hơn, nhanh hơn, giảm chi phí thời gian và công sức, tiết kiệm được xăng dầu, khấu hao máy móc mà kêu nhiều phí, chúng ta không cho tăng lên mức hợp lý thì không nhà đầu tư nào dám bỏ vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông”, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Nam bày tỏ quan điểm. 

Ra khỏi nhà là phải nộp lệ phí giao thông

Không bình luận về câu chuyện ai đúng, ai sai trong việc có nên tạm dừng tăng mức phí giao thông đối với một số dự án BOT hay không, song theo ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì phí giao thông quá cao do trên các tuyến quốc lộ “dày đặc” các trạm thu phí. “Người dân đã phải đóng thuế để Nhà nước làm đường, nhưng cứ ra đường lại phải nộp phí cầu đường”, ông Trần Quang Chiểu nêu thực trạng và đề nghị, nên sử dụng một phần ngân sách mua lại một số dự án BOT, trả lại tiền cả vốn lẫn lãi cho nhà đầu tư, thu hồi lại dự án và xóa bỏ một số trạm thu phí.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Văn Minh cũng cho rằng, hiện có quá nhiều trạm thu phí được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Đơn cử như đoạn Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Quảng Nam chỉ dài có 50 km mà có tới 2 trạm thu phí.

“Mai mốt Bộ GTVT có chủ trương đầu tư mở rộng Quốc lộ 14B để nối cảng Tiên Sa, Đà Nẵng với đường Hồ Chí Minh “mọc” thêm một trạm thu phí nữa. Như vậy, phía Tây - Bắc của tỉnh Quảng Nam giáp với Đà Nẵng sẽ có thêm một trạm thu phí, cộng với một trạm thu phí sẽ ra đời khi con đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hình thành thì trên địa bàn Quảng Nam có ít nhất 4 trạm thu phí. Người dân Quảng Nam ra khỏi nhà là phải nộp lệ phí giao thông đường bộ”, ông Ngô Văn Minh nêu ra thực trạng.

Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội TP.HCM), việc có quá nhiều trạm thu phí BOT có nguyên nhân là Nhà nước sử dụng tiền thuế của người dân, vay vốn ODA để đầu tư nhưng hiệu quả kém, thất thoát, lãng phí khiến chi phí đầu tư dự án giao thông bị đội lên, Nhà nước không đủ tiền để đầu tư tiếp buộc phải huy động các nguồn lực khác được gọi là xã hội hóa để đầu tư dưới hình thức hợp đồng BOT, cuối cùng dân phải đóng phí cầu đường. “Ở nhiều nước trên thế giới, nhà đầu tư chỉ được phép thu phí đối với dự án BOT nếu chứng minh được dự án đem lại giá trị gia tăng cho người sử dụng”, ông Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng và cho rằng nhiều dự án BOT giao thông hiện nay thu phí hết sức vô lý: “Có không ít con đường độc đạo, phương tiện giao thông nào cũng phải đi qua mà lại để cho tư nhân đầu tư thì nhà đầu tư này tự nhiên được lợi thế rất lớn”.