Gặp vướng mắc, Phú Yên xin dừng đầu tư dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản 180 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất xin dừng đầu tư Dự án Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2021, với mục tiêu xây dựng vùng dự án khoảng 120 ha trên địa bàn các xã: Hòa Xuân Đông và Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa thành vùng nuôi tôm chuyên canh, công nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt - VietGAP. Dự án có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng; thời gian chuẩn bị từ năm 2020 - 2022; thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Kế hoạch bố trí vốn 180 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, vốn do Bộ NN&PTNT bố trí là 130 tỷ đồng; vốn do UBND tỉnh Phú Yên bố trí là 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá ngày 6/1/2023 của Chủ đầu tư - Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, việc triển khai Dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thứ nhất, phạm vi thực hiện dự án tại thị xã Đông Hòa không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của địa phương; một phần diện tích dự án (khoảng 40 ha) thuộc xã Hòa Xuân Đông được quy hoạch chuyển từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất vui chơi, giải trí công cộng; phần còn lại khoảng 80 ha được quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái, không phù hợp với mục tiêu của dự án là đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm chuyên canh, công nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt - VietGAP, đủ cơ sở phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau thu hoạch.

Mặt khác, giải pháp đầu tư xây dựng tuyến đê bao để chống ngập, bảo vệ vùng nuôi hoàn toàn là không phù hợp. Để đầu tư tuyến đê bao khép kín này, chi phí xây dựng là rất lớn, cũng như phải cải tạo, nâng cấp toàn bộ các ao nuôi để phù hợp. Ngược lại, nếu xây dựng tuyến đê bao để chống lũ với tần suất 10%, chỉ chống được lũ sớm, lũ muộn và lũ Tiểu Mãn, còn lũ chính vụ cho phép nước tràn vào vùng nuôi thì mục tiêu tăng năng suất và chất lượng của vùng nuôi sẽ không đạt được. Mỗi năm chỉ nuôi được tối đa 2 vụ mà chất lượng lại không đảm bảo, không kiểm soát được bệnh dịch, môi trường nên hiệu quả đầu tư của dự án sẽ tăng không đáng kể so với hiện trạng trước khi đầu tư.

Ngoài ra, phương án thu phí cấp thoát nước, xử lý nước thải thì các hộ dân vẫn chưa đồng thuận vì e ngại chi phí cao; ngân sách địa phương cũng không đủ khả năng chi trả lương cho bộ máy quản lý và vận hành cũng như chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải.

Với những khó khăn vướng mắc nêu trên, việc tiếp tục triển khai thực hiện Dự án tại khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên sẽ không đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư, quy hoạch và định hướng phát triển của khu vực đã không còn phù hợp với mục tiêu đầu tư của Dự án. Chiến lược quy hoạch của khu vực không còn phù hợp với mục tiêu đầu tư vùng dự án thành vùng nuôi tôm chuyên canh, công nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt - VietGAP.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của UBND thị Sông Cầu, địa phương đang cần nguồn vốn để đầu tư Dự án Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, thị xã Sông Cầu với diện tích khoảng 80 ha tại xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu. Do vậy, UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét các nội dung sau: (1) Cho phép Phú Yên dừng, không tiếp tục triển khai thực hiện Dự án tại khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và cho phép Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành và thực hiện quyết toán dự án theo quy định. (2) Cho phép chuyển đổi nguồn vốn sang thực hiện đầu tư Dự án Khu nuôi trồng thủy sản cộng nghệ cao, thị xã Sông Cầu. Việc đầu tư Dự án sẽ thu hút được các nhà đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ cao nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục những hạn chế, khó khăn lớn nhất mà nhiều năm nay chưa có giải pháp để khắc phục là nuôi trồng thủy sản còn phụ thuộc nhiều vào môi trường, biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.