Gặt hái niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mỗi khi TH ra sản phẩm mới, người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng vì tin tưởng sản phẩm tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường. Đó là thành quả của niềm tin mà Tập đoàn TH gặt hái được sau nhiều năm trung thành với chiến lược phát triển bền vững.
Hệ thống điện mặt trời áp mái được các trang trại, nhà máy TH trên khắp cả nước triển khai, giúp giảm phát thải khoảng 4.500 - 5.000 tấn khí CO2 mỗi năm
Hệ thống điện mặt trời áp mái được các trang trại, nhà máy TH trên khắp cả nước triển khai, giúp giảm phát thải khoảng 4.500 - 5.000 tấn khí CO2 mỗi năm

“Năm 2008, khi Tập đoàn TH triển khai dự án trang trại bò sữa tại Nghệ An, chúng tôi đánh giá đây là một bước đột phá trong quá trình định hướng sản xuất”, ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhớ lại.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng khí hậu rất khắc nghiệt, mùa đông gió lạnh, cuối xuân đầu hè có gió Lào, không thích hợp phát triển nông nghiệp. Đây cũng là nơi có đông đồng bào dân tộc, trình độ sản xuất còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi Tập đoàn TH lựa chọn triển khai một trang trại bò sữa quy mô hàng chục nghìn con tại vùng đất này, không nhiều người, kể cả các lãnh đạo tin họ có thể thành công.

Tuy nhiên, hơn một thập kỷ nhìn lại, cụm trang trại bò sữa hiện có quy mô tiệm cận 70.000 con, diện tích canh tác hơn 8.100 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Công suất sữa tươi sạch của nhà máy lên tới 500 triệu lít mỗi năm. Chuỗi sản xuất công nghệ cao khép kín của TH ứng dụng kinh tế tuần hoàn với mô hình sản xuất hiện đại, áp dụng đồng bộ các quy trình tiên tiến nhất, từ khâu quản trị, giống, hệ sinh thái, quy chuẩn trong chế biến đến phân phối.

Qua 15 năm, TH true MILK đã trở thành một thương hiệu quốc gia, đứng đầu thị trường trong phân khúc sữa tươi với thị phần lên tới 45%. Sự vào cuộc của TH góp phần minh bạch thị trường sữa, giảm tỷ lệ sữa bột pha lại trên thị trường xuống mức dưới 40% hiện nay (thời điểm 2009 khi TH bước vào ngành sữa, tỷ lệ này là 92%). Sản phẩm sữa tươi TH true MILK nay đã là nhãn hiệu phổ biến, có thể tìm thấy ở mọi siêu thị, cửa hàng, tiệm tạp hóa.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn chia sẻ, khi TH quyết định nuôi bò sữa, có nhiều chuyên gia, bao gồm cả ông cũng cảm thấy không khả thi. Bởi Việt Nam chỉ có duy nhất một lợi thế là thị trường sữa còn nhiều dư địa. Trong khi đó, các yếu tố về sản xuất và chế biến chúng ta không có lợi thế.

15 năm nhìn lại, vị chuyên gia đánh giá cao tầm nhìn của Tập đoàn TH khi lựa chọn nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Từ khi bắt đầu triển khai dự án, TH đã tạo ra bước đột phá về sản xuất lớn, đi kèm với cơ giới hóa, kết hợp tự động hóa và số hóa. Sau đó, TH cũng là doanh nghiệp đi đầu về chất lượng, minh bạch, hiệu quả, tốt cho cả người sản xuất, tiêu dùng, tốt cho cả người quản lý. Tiếp theo, Tập đoàn TH tiến thêm một bước đến sản xuất sạch, tăng cường các giải pháp thân thiện với môi trường, góp phần tích cực vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sự phát triển bền vững này, theo ông Sơn, không chỉ thể hiện trong ứng xử với Mẹ Thiên nhiên, mà còn ở những giá trị vững bền đối với an sinh xã hội. Quá trình sản xuất sữa tươi sạch luôn gắn liền với phát triển sản xuất vùng nguyên liệu, trong đó không chỉ có doanh nghiệp lớn, mà còn có sự tham gia của các hợp tác xã, các hộ nông dân.

Tập đoàn TH đã chọn cách tiếp cận phát triển bao trùm, vừa “không bỏ lại ai phía sau”, vừa tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội. Bức tranh tương lai của nông nghiệp Việt Nam cũng là thứ cả thế giới hướng đến: xanh hơn, sạch hơn, tử tế, an bình hơn. Trong thế giới đầy biến động hiện nay, nền tảng của sự bền vững này trở nên hết sức mạnh mẽ, vượt lên trên câu chuyện nông sản đơn thuần.

“Tập đoàn TH đã đóng góp một phần rất tích cực cho ngành chăn nuôi Việt Nam, biến một ngành không có lợi thế thành có lợi thế. Quan trọng hơn, thành công của TH tạo cho người ta một niềm tin. Niềm tin vào đầu tư chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam có lãi, niềm tin vào sự minh bạch và chất lượng sản phẩm, niềm tin chúng ta có thể làm được”, TS. Đặng Kim Sơn chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phát triển bền vững Tập đoàn TH cho biết, ngay từ khi khởi dựng, TH đã lấy phát triển bền vững làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động cốt lõi của Tập đoàn.

Sau gần 15 năm phát triển, thành quả lớn nhất trong quá trình phát triển bền vững của Tập đoàn TH, theo bà Thủy, chính là niềm tin. Đó là niềm tin từ Chính phủ, từ người tiêu dùng, từ cộng đồng, tin rằng doanh nghiệp nội mà tiên phong là Tập đoàn TH hoàn toàn có thể biến những điều không thể thành có thể. Đồng đất cùng trí tuệ Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm nông sản, tiêu dùng đẳng cấp thế giới.

Đến nay, Tập đoàn TH đang “gặt hái” thành quả từ cái gốc niềm tin lớn mạnh. Các dự án lớn không kém phần táo bạo của TH như dự án chăn nuôi và chế biến sữa tươi sạch tại Nga - trở thành nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất tại Nga trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện các dự án nông nghiệp tại Australia hay trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhận giấy phép xuất khẩu sữa tươi chính ngạch sang Trung Quốc - tất cả đều nhận được nhiều sự ủng hộ của các chính phủ cũng như người tiêu dùng và cộng đồng.

“Mỗi khi TH ra sản phẩm mới, tham gia một lĩnh vực mới, người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng vì tin tưởng đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Đó là thành quả của niềm tin mà chúng tôi gặt hái được sau nhiều năm trung thành với chiến lược phát triển bền vững”, bà Thủy cho biết.

Tập đoàn TH đã xây dựng chính sách phát triển bền vững gồm 6 trụ cột, gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) gồm: Dinh dưỡng và Sức khỏe, Môi trường, Giáo dục, Con người, Cộng đồng, Phúc lợi động vật.

Trong bước tiến mới về giảm phát thải, Tập đoàn TH đặt mục tiêu các trang trại, nhà máy trong chuỗi sản xuất khép kín của mình sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tương đồng với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Để hoàn thành mục tiêu này, TH áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ cao trong sản xuất nhằm giảm phát thải. Cụ thể, doanh nghiệp này đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu nhựa, ước tính mỗi năm góp phần giảm hàng trăm tấn nhựa. Từ năm 2020, hệ thống điện mặt trời áp mái được các trang trại, các nhà máy TH trên khắp cả nước triển khai. Mỗi năm sản xuất khoảng 7 triệu kWh, tương đương giảm phát thải khoảng 4.500 - 5.000 tấn khí CO2, đáp ứng khoảng 10% tổng lượng điện tiêu thụ nội bộ. Tập đoàn dự kiến tăng sản lượng điện mặt trời trong các năm tới, tiến tới đáp ứng 15% tổng lượng điện tiêu thụ.

Với nhiều dự án mở rộng ở các lĩnh vực từ chăn nuôi, chế biến sữa tới sản xuất gỗ, mía đường…, TH đưa người nông dân địa phương tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt là ở mắt xích đầu tiên là cung cấp nguyên liệu, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội các vùng đất mà TH đặt chân tới.

Hiện có hơn 20.000 nông dân cung cấp rơm, ngô, mùn cưa cho các trang trại bò sữa TH tại Nghệ An; gần 19.000 nông dân cung cấp mía cho Nhà máy Mía đường Nghệ An - NASU; hơn 15.000 nông dân cung cấp gỗ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ trực thuộc TH; gần 1.000 hộ gia đình liên kết cung cấp sữa tươi và các nguyên liệu khác cho TH tại Đà Lạt - Lâm Đồng…

Tin cùng chuyên mục