GDP 2017: Từ nỗi lo đến sự bứt phá

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 ghi dấu ấn quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra, khi Thủ tướng cho biết ông “hết sức lo lắng” trước tốc độ tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt mức thấp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng bày tỏ lo lắng khi tăng trưởng GDP thấp trong quý I và nhấn mạnh quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. - Ảnh: VGP
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng bày tỏ lo lắng khi tăng trưởng GDP thấp trong quý I và nhấn mạnh quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. - Ảnh: VGP

Nhìn lại năm 2017, một trong những kết quả nổi bật, có ý nghĩa tổng hợp là việc tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch đề ra và đây cũng là mức  tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm qua của Việt Nam.

Đạt được kết quả này không dễ dàng. Mặc dù ngay cuối năm 2016, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tồn tại tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thế nhưng đến hết quý I/2017, tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, các thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực trong quý I thì tốc độ tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1% là thấp. Nguyên nhân chính là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm từ 2012. Xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết ông “hết sức lo lắng” với chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong quý I. Thủ tướng cho rằng nền kinh tế nước ta đang đối diện sức ép lớn, chủ yếu là từ vấn đề dài hạn, tồn tại nhiều năm nay, chưa được giải quyết và cộng với tình hình quốc tế hết sức phức tạp. Hai sức ép của nền kinh tế ở thời điểm đó là sức ép về tăng trưởng, sức ép về tỉ giá và nếu không quản lý, điều hành tốt thì khó giữ lạm phát ở ngưỡng 4%.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến đã cho rằng sẽ rất khó để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm, hoặc nếu đạt được thì phải “trả giá” bằng ổn định kinh tế vĩ mô bởi chỉ có thể “kích” tăng trưởng thông qua các giải pháp không bền vững. Đây cũng là một nội dung được các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm tại kỳ họp thứ 3.

Các mục tiêu của năm 2017 còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều vấn đề khác như tình hình thế giới và nhất là những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai khi cho đến những ngày cuối cùng của năm, cơn bão số 16 với cường độ rất mạnh vẫn tiếp tục đe dọa các tỉnh Nam Bộ.

Tuy nhiên, từ phiên họp thường kỳ tháng 3, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng phải coi việc nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng là quyết tâm chính trị, bởi có như vậy mới bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra sau đó một tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm đạt tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, không thay đổi mục tiêu này. Đến ngày 22/5, Thủ tướng tiếp tục triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; tháo gỡ từng nút thắt tăng trưởng; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch.

Một số chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu là: Khu vực nông nghiệp tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%, trong đó khu vực công nghiệp tăng 8%, xây dựng tăng 10,5%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%.

Đồng thời, một yêu cầu đặt ra là tăng trưởng GDP phải đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Chính phủ xác định không tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi các nội dung cân đối vĩ mô, môi trường để lấy tăng trưởng và cũng xác định lấy ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu.

Những diễn biến sau đó đã khẳng định hiệu quả của các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ Chính phủ. Tới quý III, GDP đã tăng bứt phá tới 7,46%, tăng mạnh so với quý I (5,15%) và quý 2 (6,17%), giúp GDP 9 tháng ước tăng 6,41% và mục tiêu cả năm 6,7% trở nên khả thi.

Điều đáng mừng hơn nữa tăng trưởng GDP năm nay hoàn toàn không phụ thuộc vào khai khoáng, dầu thô và cũng không phụ thuộc vào tín dụng. Thay vào đó, động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu khi lần đầu tiên đạt mức 210 tỷ USD với tốc độ tăng khoảng trên dưới 20% (gấp 3 lần mục tiêu đề ra), khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét; số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục mới trên 120 nghìn; số vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục trên 35 tỷ USD và số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua… Tuy GDP đạt cao nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Nhìn về dài hạn, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%).

Các tổ chức quốc tế cũng đồng loạt ghi nhận kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam. Mới nhất ngày 11/12, WB đã nâng mạnh mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, dự kiến đạt 6,7%, bằng mục tiêu Chính phủ kỳ vọng và cao hơn so với dự báo 6,3% của chính tổ chức này đưa ra trước đó.

Tới ngày 13/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,7% cho cả hai năm 2017-2018, cao hơn so với lần công bố trước là 6,3% và 6,5%. Còn theo Bloomberg, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP nhanh nhất Đông Nam Á trong 2018 với mức 6,6%.

Vấn đề tăng trưởng kinh tế không chỉ ảnh hưởng lớn đến các chỉ số kinh tế vĩ mô. Năm 2017 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2016-2020; việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra cho năm 2017 sẽ góp phần rất quan trọng, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu cho 5 năm mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục