GDP 9 tháng/2020 tăng thấp nhất trong 1 thập kỷ qua

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2020 thấp nhất trong một thập kỷ qua, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đây vẫn là một thành công lớn của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới .
GDP 9 tháng/2020 tăng thấp nhất trong 1 thập kỷ qua

Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội sáng 29/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT) Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm nay thấp nhất trong một thập kỷ qua (2011 - 2020).

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Vào thời điểm giữa tháng 9/2020, khi các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. "Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý III/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý II/2020”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

Theo đó, quý III/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%. Về sử dụng GDP quý III năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,19% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,79%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,88%.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, tại thị trường trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng.

Tin cùng chuyên mục