Giá bán lẻ điện tăng 4,5%, khách hàng sử dụng điện bị tác động thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, kể từ ngày 9/11, Tập đoàn quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin tại cuộc họp
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin tại cuộc họp

Như vậy, đây là lần thứ hai trong năm 2023 giá điện được điều chỉnh. Lần gần nhất là vào tháng 5/2023 khi giá điện tăng 3%.

Thông tin cụ thể về việc điều chỉnh tăng giá điện, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, ngày 8/11/2023, Bộ Công Thương có Quyết định số 2941/QĐ-BCT quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, cũng trong ngày 8/11/2023, EVN đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) kể từ ngày 9/11/2023. Cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh tăng giá điện được căn cứ vào quy định pháp luật liên quan về vấn đề này như: Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg; Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg; Quyết định số 2/2023/QĐ-TTg...

Về tác động của việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này, ông Dũng cho rằng, nhóm khách hàng sinh hoạt là nhóm khách hàng chịu sự tác động lớn nhất. Tuy nhiên, tác động tăng cũng không đáng kể theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mới. “Với đối tượng khách hàng có mức sử dụng điện bậc 1 (từ 0 - 50 kWh) có giá là 1.806 đồng/kWh thì tiền điện tăng thêm là 3.900 đồng/tháng; với bậc 2 (từ 51 - 100 kWh) có giá 1.866 đồng/kWh tăng thêm tối đa là 7.900 đồng/tháng...”, ông Dũng cho biết.

Giá bán lẻ điện tăng 4,5%, khách hàng sử dụng điện bị tác động thế nào? ảnh 1

Giá bán điện sinh hoạt trước và sau điều chỉnh

Tác động với nhóm khách hàng khác (sản xuất, kinh doanh dịch vụ), ông Dũng nhấn mạnh, số tiền tăng thêm phụ thuộc vào hành vi sử dụng của khác hàng và tỷ lệ sử dụng điện trong tổng chi phí giá thành của doanh nghiệp. Tính toán sơ bộ về mức độ tác động, với nhóm khác hàng kinh doanh dịch vụ (hiện Tập đoàn có khoảng 547.000 khách hàng), tiền điện tăng thêm mỗi tháng là 230.000 đồng; với nhóm khách hàng sản xuất (1.909 khách hàng), bình quân mỗi tháng sẽ phải trả thêm 432.000 đồng; khách hàng hành chính sự nghiệp (681.000 khách hàng) sẽ phải trả thêm là 90.000 đồng mỗi tháng.

Về tác động của việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ tới người sử dụng điện, ông Dũng cho biết, Chính phủ vẫn hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách xã hội. Theo Quyết định 28 của Thủ tướng, hộ nghèo được hỗ trợ bằng tiền tương đương 30 kWh; hộ chính sách cũng nhận hỗ trợ tương đương với điều kiện dùng dưới 50 kWh một tháng.

EVN khẳng định, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Thông tin thêm tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Phước - Kế toán trưởng EVN cho hay, năm 2023, một số thông số đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất điện của Tập đoàn như: giá các nhiên liệu đầu vào tăng cao; tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh... Việc điều chỉnh tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN thu thêm khoảng 3.200 tỷ đồng từ nay tới cuối năm, giúp Tập đoàn giảm một phần khó khăn của năm 2023.

Cũng tại cuộc họp, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về việc cùng với giá điện tăng, từ tháng 11/2023, TP. Hà Nội cũng thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ điện vào ngày cuối tháng có thể khiến tiền điện “tăng sốc”. Đại diện EVN cho biết, tiền điện chi trả có thể sẽ tăng thêm ở tháng đầu tiên sau thay đổi, nhưng bản chất là không tăng thêm mà là do kéo dài ngày sử dụng điện.

Tin cùng chuyên mục