Sản lượng cát khai thác tự nhiên chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường. Ảnh: Tường Lâm |
Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp phù hợp cho vấn đề này để không tác động xấu đến hoạt động xây dựng.
Chặn cát lậu và giá cát tăng là câu chuyện nóng trong thời gian gần đây. Là người đứng đầu Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Với việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo đưa việc khai thác cát vào khuôn phép, thị trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có vấn đề giá cát. Dù vậy, chúng ta không thể không đưa hoạt động này vào khuôn phép, nếu không tình trạng khai thác cát tràn lan gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống của người dân sẽ tiếp tục diễn ra. Chúng ta cần kiên quyết nhằm chấn chỉnh lại việc khai thác cát, quản lý tốt các mỏ khai thác cát, đồng thời tiếp tục phát triển các nguồn vật liệu mới.
Tuy nhiên, với những thông tin như vậy, cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp để không làm ảnh hưởng đến thị trường.
Theo tôi, giá cát tăng thời gian gần đây là do quản lý chưa tốt, thể hiện ở chỗ chúng ta không điều tra kỹ các mỏ mà lẽ ra chúng ta phải điều tra toàn diện và quy định chặt chẽ những mỏ nào có thể khai thác và không thể khai thác ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, có thời kỳ chúng ta cho xuất khẩu cát nhiễm mặn. Đây là một sai lầm. Bây giờ, chúng ta phải dứt khoát trong việc không xuất khẩu cát, dù là cát nước mặn hay cát đen. Cát càng ngày càng hiếm chúng ta phải giữ lại, phải có quy hoạch cụ thể để khai thác một cách hiệu quả nhất.
Theo ông, đâu là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này?
Trước hết, chúng phải chấn chỉnh, kiềm chế giá cát để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng. Những đối tượng nào lợi dụng tình hình cát khan hiếm để nâng giá cần có những hình thức xử lý thích đáng.
Thứ hai là, các cơ quan quản lý cần chấn chỉnh ngay việc khai thác cát theo quy hoạch, những mỏ nào nằm trong quy hoạch và được cấp phép khai thác thì mới được khai thác. Đồng thời, chúng ta phải chuyển dần, mở rộng sang dùng cát nhân tạo (nghiền cát từ đá, cuội, sỏi) để bổ sung nguồn vật liệu cung cấp cho hoạt động xây dựng.
Khả năng sản xuất cát nhân tạo của Việt Nam ra sao, thưa ông?
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất cát nhân tạo, góp phần giảm áp lực đối với khai thác cát tự nhiên, hoạt động gây tác động mạnh đến môi trường, địa chất, mà vẫn có đủ nguồn vật liệu cát cung cấp cho hoạt động xây dựng. Trong khi đó, chất lượng cát nhân tạo cũng không hề thua kém cát tự nhiên.
Trên thực tế, lượng cát tự nhiên đang ngày càng ít. Lý do là ngày càng có nhiều công trình thủy điện được xây dựng, cát từ đầu nguồn về sẽ không còn được dồi dào như trước đây. Nếu như trước đây chúng ta có thể khai thác hàng trăm triệu khối cát/năm thì dần dần nguồn cát này có lẽ chỉ còn đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường. Lượng cát thiếu hụt chắc chắc phải được bổ sung bằng cát nhân tạo. Một số công trình xây dựng lớn của Việt Nam cũng đã sử dụng cát nhân tạo như: đập Thủy điện Sông Đà, đập Thủy điện Lai Châu, đập Thủy điện Sơn La…
Là người đứng đầu Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ông có đánh giá gì về việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước sản xuất được trong các công trình sử dụng vốn nhà nước hiện nay?
Có thể nói, vật liệu xây dựng trong nước sản xuất được rất phong phú và có đủ khả năng cung cấp được cho hoạt động xây dựng trong nước. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có một số công trình/dự án mà chủ đầu tư/bên mời thầu vẫn chưa thực sự chú trọng sử dụng các loại vật liệu xây dựng Việt Nam sản xuất được bằng lý do nhà thầu trong nước cung cấp không đủ, cung cấp chậm hoặc có khiếm khuyết về chất lượng.
Làm thế nào để vật liệu xây dựng trong nước sử dụng nhiều hơn tại các công trình/dự án này?
Điều quan trọng nhất là hàng hóa vật liệu xây dựng của chúng ta phải có chất lượng, đảm bảo về số lượng cung ứng cho công trình/dự án xây dựng để không ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công trình. Ngoài ra, cũng phải có những giải pháp nhằm thay đổi tư duy, quan điểm của các chủ đầu tư/bên mời thầu, hướng tới mục tiêu ưu tiên sử dụng những vật liệu bảo đảm chất lượng của doanh nghiệp Việt.