Gia Lai: 80% vốn chưa giải ngân, áp lực lớn vào cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về giải phóng mặt bằng, nhiều dự án có kế hoạch vốn lớn năm 2023 của tỉnh Gia Lai đang trong tình trạng chậm trễ giải ngân. Tỷ lệ giải ngân chung của toàn Tỉnh trong 8 tháng đầu năm mới đạt khoảng 20% kế hoạch, áp lực giải ngân trong thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2023 là rất lớn.
Tính đến ngày 15/8/2023, giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Gia Lai là 869,163 tỷ đồng, đạt 20,37% kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Minh
Tính đến ngày 15/8/2023, giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Gia Lai là 869,163 tỷ đồng, đạt 20,37% kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Minh

Năm 2023, Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19) được giao kế hoạch vốn là 200 tỷ đồng. Qua 8 tháng, Dự án mới giải ngân được 7,358 tỷ đồng, đạt 3,68% kế hoạch. Đây là dự án lớn của tỉnh Gia Lai, với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, 3 gói thầu xây lắp chính 07, 08, 09 đã lựa chọn xong nhà thầu từ khoảng tháng 11/2022.

Dự án Đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Duẩn), TP. Pleiku qua 8 tháng mới giải ngân được 1,542 tỷ đồng, trên kế hoạch vốn năm 2023 là 42 tỷ đồng, đạt 3,67%. Dự án có tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách trung ương.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Gia Lai, cả 2 dự án này đều bị vướng về giải phóng mặt bằng. Tại Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông, các địa phương mới bàn giao mặt bằng ở mố M2 cầu Biển Hồ, đoạn Km0 - Km1+800, đoạn Km3, các đoạn còn lại chưa thể triển khai thi công do chưa có mặt bằng. Dự án Đường Nguyễn Chí Thanh đến nay còn vướng tại nhiều vị trí, UBND TP. Pleiku đang trình duyệt phương án, chờ phê duyệt giá bồi thường đất.

Tương tự, Dự án Đường Nguyễn Văn Linh - TP. Pleiku cũng đang vướng mắc vì không có mặt bằng để triển khai thi công do các hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi thực hiện Dự án chưa đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, mới bàn giao cho đơn vị thi công 276 m đầu tuyến và khu vực cầu.

Ngoài nguyên nhân vướng mặt bằng, nhiều dự án bị thiếu đất đắp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện như: Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19); Dự án Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước (Hòn Cỏ, Bàu Dồn, hồ C5, hồ Làng Mới, Tà Li I, Tà Li II)...

Ngược lại với tình trạng vốn chờ khối lượng thực hiện, một số dự án khác của tỉnh Gia Lai lại đang chờ vốn, nguyên nhân là hụt thu nguồn vốn tiền sử dụng đất, cho thuê đất năm 2022, 2023. Nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán như: Dự án Đường nối từ đường Lý Thường Kiệt đến đường vành đai phía Bắc thị xã An Khê; Dự án Đường giao thông kết nối thị trấn Chư Ty đến xã Ia Dơk - huyện Đức Cơ; Dự án Xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực các xã biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025...).

Thông tin tới Báo Đấu thầu, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Gia Lai Đinh Hữu Hòa cho biết, tính đến ngày 15/8/2023, giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Tỉnh là 869,163 tỷ đồng, đạt 20,37% kế hoạch vốn đã giao (4.267,499 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 30,95%, nguồn vốn ngân sách trung ương đạt 10,77% kế hoạch. Khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn có nguyên nhân về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Nổi cộm về cơ chế, chính sách liên quan đến quy định đền bù, giải phóng mặt bằng; thủ tục cấp giấy phép về môi trường mất nhiều thời gian; thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ đất đắp kéo dài và phức tạp, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hiện tại, nguồn vốn chưa giải ngân của Tỉnh còn rất lớn. Gia Lai đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Từng sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý nhanh vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của mình. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai trong chỉ đạo mới đây nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; thực hiện giải ngân ngay khi có khối lượng; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ông Đinh Hữu Hòa cho biết, đối với những dự án sử dụng nguồn vốn từ tiền sử dụng đất chưa có vốn thanh toán, HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh nguồn vốn bổ sung cho các dự án hụt thu tiền sử dụng đất nhưng có khả năng hoàn thành hoặc có khối lượng hoàn thành lớn với khoảng 102 tỷ đồng. Các dự án có thể hoàn thiện thủ tục giải ngân trong tháng 8, tháng 9, bổ sung vào khối lượng giải ngân chung của Tỉnh. Theo ông Hòa, Tỉnh phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Tin cùng chuyên mục