Gia nhập TPP, canh cánh nỗi lo cạnh tranh

Số lần nộp thuế gấp 7 lần so với các nước khác; doanh nghiệp vẫn loay hoay suốt ngày lo gỡ khó trong khi nước người thì bàn về các giải pháp chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, về chính sách thông minh… Sức ép là cơ hội để chúng ta phải biết người, biết ta.
Gia nhập TPP, canh cánh nỗi lo cạnh tranh

Năm 2015 “hội nhập” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất. Rất nhiều hiệp định thương mại quan trọng kết thúc đàm phán hay được ký kết, có hiệu lực. Các doanh nghiệp hơn bao giờ hết có đầy đủ cơ hội để tiếp cận các thị trường mới hấp dẫn hơn, triển vọng là các hàng rào thuế quan cơ bản được bãi bỏ.

Chấp nhận tham gia các “cuộc chơi” mới thể hiện cam kết quan trọng của Chính phủ phải điều chỉnh thể chế và chính sách phù hợp tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình cải cách trong nước. Tuy nhiên, hội nhập không chỉ có sự háo hức mà còn rất nhiều nỗi lo.

Nỗi lo thứ nhất là thực lực của khu vực doanh nghiệp trong nước quá bé nhỏ. Hội nhập, mở cửa sẽ tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các nước và ngay chính “sân nhà”, không hạn chế bởi không gian địa lý nữa. Thế nhưng các doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam so với thế giới đang quá bé nhỏ, thực sự đang yếu kém.

Dữ liệu từ cơ quan thuế cho thấy, những con số đáng ngại. Gần 85% số doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có doanh thu hằng năm dưới 20 tỷ đồng (tức chưa đầy 1 triệu USD), trong đó gần 42% có doanh thu hằng năm dưới 1 tỷ đồng, những con số quá bé nhỏ so với các nước. Quá bé nên không khai thác được các lợi thế về quy mô và đầu tư được bài bản khi ra sân chơi lớn.

Năm 2014 vừa rồi, theo số liệu từ Tổng cục Thuế gần 60% doanh nghiệp tư nhân khai báo kinh doanh không có lãi, không có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tín hiệu đáng lo nữa là dường như quy mô bình quân của doanh nghiệp tư nhân trong nước không được cải thiện nếu không nói là đang nhỏ đi theo thời gian. Theo những điều tra và phân tích của VCCI thì động lực để doanh nghiệp tư nhân lớn lên không được duy trì. Đây thực sự là điều đáng ngại.

Điều tra doanh nghiệp hằng năm của VCCI cho thấy, doanh nghiệp tư nhân quy mô bé tiếp cận vốn, đất đai đang rất khó khăn, đắt đỏ. Các ưu đãi của nhà nước về đất đai, vốn dường như đang về tay các doanh nghiệp nhà nước lớn hay các doanh nghiệp nước ngoài. 1/3 doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đang phải vay vốn tín dụng “đen” với lãi suất bình quân 45-50%/năm.

Các nước đang bàn về các giải pháp tăng hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, về chính sách thông minh… thì Việt Nam vẫn loay hoay với “tháo gỡ khó khăn” hay “giảm phiền hà” cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Điều tra về thuế và hải quan năm 2015 vừa qua của VCCI, điều trớ trêu doanh nghiệp tư nhân quy mô càng lớn thì chi phí tuân thủ tục hành chính càng cao: Phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra càng nhiều, nguy cơ bị xử phạt hành chính càng cao. Đó là chưa tính đến mức độ rủi ro, sự kém an toàn của tài sản của chủ doanh nghiệp tăng lên khi quy mô lớn lên…

Đã đành doanh nghiệp tư nhân vì mới hình thành, vì hiệu quả nên duy trì quy mô nhỏ. Nhưng đáng lo là sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn quá yếu, quá lỏng lẻo và những thiết chế thúc đẩy sự liên kết này hầu như không hoạt động. Vẫn còn phổ biến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau, dèm pha nói xấu dù hoạt động trong cùng ngành hàng.

Các hiệp hội doanh nghiệp thì mới được tạo điều kiện phát triển gần đây và hầu hết trong số đó đang gặp vấn đề về quản trị. Trong khi đó, tại các nước khác, các hiệp hội doanh nghiệp được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, đây là một yếu tố quan trọng tạo nên sức cạnh tranh của các doanh nghiệp các nước. Họ có thể cùng hợp tác chia sẻ nguồn lực trong khai mở thị trường mới, bảo vệ thị trường trong nước, xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng, đào tạo nhân lực hay là tạo sức nặng vận động chính sách thuận lợi cho họ.

Theo VCCI, động lực để DN tư nhân lớn lên không được duy trì. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thứ nữa là nỗi lo về chất lượng bộ máy, nhân lực, đặc biệt là trong khu vực công. Hơn bao giờ hết chất lượng chính sách, quy định của nhà nước và sự chuyên nghiệp trong thực thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.

Chính sách tốt hay tồi không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mà còn quyết định đến khả năng sống sót của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam làm sao có thể cạnh tranh được khi thủ tục thuế các nước khác mất hơn 100 giờ một năm nhưng Việt Nam mất đến hơn 700 giờ theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

Hàng hoá từ Việt Nam làm sao đua tranh được về giá cả và thời gian giao hàng khi thông quan các nước tính bằng giờ đồng hồ mà ở Việt Nam mất đến 3-4 ngày, chưa kể rủi ro nằm kho hằng tháng vì những thủ tục đôi khi do mình tự tạo ra. Các nước đang bàn về các giải pháp tăng hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, về chính sách thông minh… thì Việt Nam vẫn loay hoay với “tháo gỡ khó khăn” hay “giảm phiền hà” cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, bàn đến nỗi lo không phải là tự đóng cửa, tự chơi một mình một sân như trước đây. Sức ép là cơ hội để chúng ta không nên tự mãn mà phải biết người, biết ta, phải đi nhanh hơn, phải làm việc chăm chỉ hơn. Nếu như các nước nỗ lực một thì Việt Nam phải nỗ lực hai, ba, không còn con đường nào khác.