Trong 10 chỉ số đánh giá PCI 2019, chỉ số tính minh bạch của môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực, sau mấy năm không thay đổi nhiều. Ảnh: Lê Tiên |
Bức tranh sáng sủa về môi trường đầu tư kinh doanh
Theo PCI 2019, điểm số trung vị đạt 63,25 điểm, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Khoảng cách giữa các tỉnh đứng đầu và đứng cuối được thu hẹp cho thấy “dàn nhạc” cải cách đã dần đồng điệu và bức tranh toàn cảnh của môi trường đầu tư kinh doanh trở nên tươi sáng hơn.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu như năm 2006, địa phương có điểm thấp nhất là 36 điểm thì đến năm 2019 là 60 trên tổng điểm 100. Điểm số trung vị năm 2019 tăng cao nhất trong các năm qua cho thấy, PCI tác động rất lớn đến bộ máy chính quyền các địa phương và chính quyền ngày càng coi trọng chất lượng điều hành để đáp ứng đòi hòi ngày càng cao của DN. Từ đó góp phần tạo sự thuận lợi và thông thoáng trong môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong 10 chỉ số đánh giá PCI 2019, nhiều chỉ số có sự cải thiện so với các năm trước. Trong đó, chỉ số tính minh bạch môi trường kinh doanh chiếm trọng số cao và được cải thiện tích cực, sau mấy năm không thay đổi nhiều. An ninh trật tự được củng cố, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có kết quả tích cực... Đặc biệt, chi phí không chính thức giảm rõ rệt trong 3 năm gần đây. Nếu như năm 2015 - 2016 có 66% số DN được khảo sát cho biết phải chi trả các chi phí không chính thức, thì năm 2019 chỉ còn 53%. Kết quả này cho thấy hiệu quả của công cuộc phòng chống tham nhũng, ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách TTHC trong thời gian qua.
Ở thời điểm giữa năm 2019, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI chia sẻ, khi thực hiện cuộc khảo sát này, có trên 50% số DN trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Người dân hăng say thành lập DN. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 DN được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên.
Riêng đối với DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), GS.TS Edmund Malesky - Đại học Duke (Hoa Kỳ) cho biết, có 53% số DN FDI được khảo sát có dự định mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. Mặc dù thấp hơn so với 2 năm trước, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn mức trung bình trong suốt 15 năm khảo sát PCI. Những tác động khó dự đoán của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới sự lạc quan của DN cũng như chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, kết quả ứng phó của Việt Nam với dịch bệnh rất tốt so với các nước trong khu vực và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là địa chỉ an toàn để đầu tư trong thời gian tới.
Theo tính toán của GS.TS Edmund Malesky, nếu như năm 2015, chi phí không chính thức chiếm 1,7% doanh thu của DN FDI thì năm 2019 là 1,1%. Điều này đồng nghĩa với việc DN FDI tiết giảm được 1,1 tỷ USD chi phí không chính thức mỗi năm. Đây là một khoản tiền lớn để đầu tư, tuyển dụng lao động và đổi mới, sáng tạo - những yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển.
Còn nhiều dư địa cải cách
Báo cáo PCI 2019 được VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trực tuyến vào sáng 5/5/2020. Báo cáo được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 DN tại Việt Nam, trong đó có khoảng 11.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 DN FDI đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI 2019 với 73,4 điểm, trở thành địa phương 3 năm liên tiếp đạt ngôi quán quân. Điểm số của Quảng Ninh trong PCI 2019 cũng tăng hơn 3 điểm so với năm 2018. Top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu Bảng xếp hạng PCI 2019 còn có Đồng Tháp (72,1 điểm), Vĩnh Long (71,3 điểm), Bắc Ninh (70,79 điểm)... Mặc dù đứng ở top cuối, nhưng Đắk Nông, Hà Giang... đang có xu hướng cải thiện điểm số mạnh mẽ.
Không gian cải cách vẫn còn lớn trong các lĩnh vực như mua sắm công, chi tiêu công của các cơ quan công quyền, bởi vẫn còn nhiều DN phàn nàn về việc khó tiếp cận thị trường này.
Đưa ra khuyến nghị, Nhóm nghiên cứu PCI 2019 cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất để cắt giảm TTHC hậu đăng ký và cải thiện điều kiện kinh doanh hơn nữa. Mặc dù đã được cải thiện nhưng chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nhức nhối, tạo gánh nặng cho DN. Hiện DN dân doanh còn gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, tuyển dụng lao động. Để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển hơn nữa, cần có các chính sách kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ các vấn đề đã xác định, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Với những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 để lại, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả, kịp thời để giúp DN tồn tại, khôi phục và phát triển.
Theo GS.TS Edmund Malesky, Việt Nam cần thúc đẩy DN chuyển dịch mạnh mẽ sang tự động hóa, nhằm tiết giảm chi phí, tiếp cận thị trường mới, tham gia chuỗi giá trị và giảm tác động của biến đổi khí hậu. Đại dịch Covid-19 là một cú hích để đẩy nhanh quá trình này.