Phạm vi sản phẩm bị điều tra phòng vệ thương mại ngày càng mở rộng. Ảnh: Nhã Chi |
Áp lực cạnh tranh gia tăng
Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, kim ngạch XK hàng hóa 10 tháng đầu năm 2024 sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, XK hàng hóa sang thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương chiếm trên 50%.
Thông tin tại một hội thảo mới đây, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, mặc dù XK hàng hóa có nhiều khởi sắc, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ đối với doanh nghiệp (DN) XK. Một trong những khó khăn lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ngày 3/10/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin Cục Ngoại thương Thái Lan đăng công báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 26/9/2024, Nam Phi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô tô, xe buýt và xe tải có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
Ngày 14/8/2024, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.
Trước đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) khởi xướng điều tra rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia…
Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục PVTM nhấn mạnh, số lượng vụ việc PVTM đối với hàng XK của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nếu giai đoạn 2001 - 2011 là 50 vụ thì giai đoạn 2012 - tháng 10/2024 tăng lên 214 vụ, gấp hơn 4 lần.
Thống kê cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, đến thời điểm này, có 14/25 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương đã điều tra 145/268 vụ việc PVTM khác nhau đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines…
Hầu hết các thị trường XK truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam. Phạm vi sản phẩm bị điều tra không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch XK lớn (tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…) mà mở rộng tới những sản phẩm có giá trị XK trung bình và nhỏ (máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy…). Xu hướng điều tra khắt khe hơn với yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, DN bị điều tra về thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin…
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Cục PVTM, là do tự do hóa thương mại khiến các hàng rào thuế quan bị bãi bỏ, các nước nhập khẩu phải tìm kiếm các biện pháp khác, trong đó có PVTM - biện pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép sử dụng - để bảo vệ và phát triển sản xuất nội địa; DN ở các nước bị áp thuế PVTM tìm cách lẩn tránh thuế…
Nâng cao năng lực ứng phó, tăng chất lượng hàng hóa
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, việc nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc PVTM là rất quan trọng.
Theo Cục PVTM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hỗ trợ nhiều hiệp hội, ngành hàng, DN sản xuất, XK ứng phó với các biện pháp PVTM; phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia với tư cách một bên liên quan trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với Chính phủ… Qua đó, Bộ Công Thương đã thành công trong việc bảo vệ các lập luận chứng minh Chính phủ không trợ cấp và không can thiệp vào thị trường để tạo ra lợi thế bất bình đẳng cho hàng hóa XK của Việt Nam; thường xuyên bám sát thông tin, quy trình điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài, từ đó cung cấp các thông tin theo yêu cầu và đưa ra lập luận pháp lý phản bác các luận điểm thiếu căn cứ của nguyên đơn hoặc các kết luận của cơ quan điều tra có khả năng vi phạm quy định của WTO. Trong nhiều vụ việc, cơ quan điều tra đã phải xem xét lại các kết luận hoặc kéo dài thời gian khởi xướng để tiếp tục bổ sung các chứng cứ theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Chia sẻ tin vui đối với ngành nhôm, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết, ngày 30/10/2024, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 thị trường, trong đó có Việt Nam. Căn cứ kết luận của ITC, Bộ Thương mại Hoa Kỳ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 nước/vùng lãnh thổ.
“Có được kết quả này một phần là nhờ Hiệp hội đã rất tích cực phối hợp với cơ quan PVTM; DN kinh doanh minh bạch, khẳng định năng lực bằng chất lượng hàng hóa; xây dựng hệ thống lưu trữ hồ sơ chi tiết và có tổ chức…”, ông Kế chia sẻ và kỳ vọng, các DN trong ngành sẽ thúc đẩy XK sang Hoa Kỳ nhiều hơn nữa.
Trước đó, Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã cùng DN trong ngành và cơ quan quản lý thành công trong việc bảo vệ thị trường nội địa trước “cơn bão” nhôm nhập khẩu giá rẻ tràn vào.
Từ kinh nghiệm trong việc ứng phó với các vụ việc PVTM, lãnh đạo Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khuyến nghị, việc hiểu rõ quy định về PVTM và chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp bảo vệ sản xuất là rất quan trọng đối với sự thành công của DN Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá thì DN cần xây dựng chiến lược XK đa dạng thị trường, tránh phát triển quá nóng tại một thị trường; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM…
Hiện Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM để DN chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó; trao đổi với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó… “Cục PVTM luôn đồng hành với DN trong việc PVTM bảo vệ sản xuất, XK bền vững”, Cục trưởng Cục PVTM Trịnh Anh Tuấn khẳng định.