Doanh nghiệp thép nên đầu tư sản xuất các sản phẩm có nhu cầu cao |
Thị trường tốt lên
Dự báo giá thép xây dựng tăng trong mấy tháng cuối năm 2016 được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra hồi đầu tháng 7/2016 đã thành hiện thực. Báo cáo thị trường thép tháng 8/2016 cho thấy, nguyên liệu tăng giá, giá bán thép xây dựng trong nước tháng 8 và đầu tháng 9 cũng có sự điều chỉnh tăng nhẹ.
Báo cáo cho biết, trong tháng 8, nhu cầu xây dựng trong nước tăng lên nên sản lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức khá cao. Sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 8/2016 đạt 1.532.496 tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2015, và tăng 5,7% so với tháng 7/2016. Bán hàng sản phẩm thép các loại tháng 8/2016 đạt 1.300.037 tấn, tăng 6% so với tháng 7/2016, tăng 38,7% so với cùng kỳ 2015. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 269.922 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 9,5% so với tháng trước.
Thông tin về tình hình sản xuất - bán thép xây dựng, VSA cho hay, sản lượng thép xây dựng sản xuất ra trong tháng 8 đạt 690.934 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ 2015 và tăng 10,12% so với tháng 7/2016. Bán hàng thép trong tháng 8/2016 đạt 676.099 tấn, tăng 4% so với tháng trước và tăng 36% so với cùng kỳ năm 2015.
Dự báo diễn biến thị trường thép xây dựng trong những tháng cuối năm, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho nhận định, giá thép trong tháng 9 này sẽ tiếp tục được điều chỉnh do giá nguyên liệu tăng. Theo ông Dũng, giá phôi thép Đông Nam Á những ngày đầu tháng 9/2016 tăng khoảng 20 - 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 8/2016; giá thép phế cũng có sự điều chỉnh tăng…
Chú trọng đầu tư theo chiều sâu
Tuy nhiên, theo ông Hồ Nghĩa Dũng, dự án thép thì vẫn phải đầu tư, nhưng vấn đề là tính toán, cân nhắc đầu tư ở giai đoạn nào, thời điểm nào, quy mô và công nghệ ra sao. Doanh nghiệp nên đầu tư để tăng tính cạnh tranh, giảm tiêu hao, giảm bớt các tác động môi trường, tăng chất lượng sản phẩm.
Ông Dũng cho biết thêm, với các sản phẩm như thép tấm lá cán nguội, lá cán nguội, tấm cán nóng, thép hợp kim đặc biệt… thì các doanh nghiệp có thể cân đối phát triển, đầu tư thêm, bởi ở nhóm sản phẩm này, chúng ta đang có ưu thế phát triển, xuất khẩu. Mặt khác, trong thời gian tới, nhu cầu thép cho nền kinh tế ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi đầu tư vào ngành thép.
Tài liệu liên quan đến vấn đề này của Văn phòng Chính phủ cho biết, một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới, tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển ngành thép còn nhiều hạn chế như chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ yêu cầu: “Xây dựng hệ thống sản xuất thép với công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái”.