Lúc 15h30 ngày 20/3, giá vàng SJC ở mức 45,95 triệu đồng - 46,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Ảnh: Nhã Chi |
Lúc 15h30 ngày 20/3, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch vàng Kitco thế giới ở mức 1.512 USD/oz, tăng 41 USD/oz so với phiên giao dịch trước đó. Cùng thời điểm, tại Việt Nam, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 45,95 triệu đồng - 46,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Từ đầu tháng 2 (khi dịch Covid-19 bùng phát ngoài Trung Quốc) đến nay, giá vàng đã có diễn biến tăng - giảm đột biến, có lúc giá vàng đã tiến sát ngưỡng kỷ lục 1.700 USD/oz song lại có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 1.500 USD/oz. Diễn biến trên thị trường vàng thế giới cũng khiến giá vàng trong nước dao động mạnh kể từ đầu tháng 2 đến nay. Có lúc, giá vàng bán ra ở mức gần 50 triệu đồng/lượng nhưng có thời điểm giá vàng bán ra chỉ còn hơn 43 triệu đồng/lượng.
Sự bất thường của giá vàng do nhiều yếu tố tác động, đáng chú ý nhất là biến động của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, hàng hóa toàn cầu do diễn biến bất thường của dịch Covid-19.
Giới chuyên gia dự báo rằng, diễn biến dịch Covid-19 còn nhiều bất thường là mối đe dọa về suy thoái kinh tế toàn cầu và áp lực lạm phát thấp, từ đó có thể kéo giá vàng thế giới giảm xuống mức 1.300 USD/oz. Giá vàng còn có triển vọng giảm thấp trong quý II khi các nhà đầu tư muốn tích trữ tiền mặt thay cho vàng.
“Mặt khác, nếu các nền kinh tế tiếp tục suy yếu hơn kỳ vọng thì giá vàng có thể trở về mốc của năm 2015, ở mức giá 1.050 USD/oz”, ông KC Chang, chuyên gia phân tích giá vàng tại Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit có trụ sở tại London (Anh) dự báo.
Nhìn nhận từ góc độ khác, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, có thể so sánh diễn biến giá vàng hiện nay với thời kỳ 2008 - 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Ở thời điểm hơn 10 năm trước, giá vàng từng giảm từ mức hơn 900 USD/oz xuống mức trên 700 USD/oz và khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Tuy nhiên, diễn biến giá vàng hiện nay có điểm khác, đó là lực tác động đến thị trường vàng là do một dịch bệnh khó dự đoán và chưa biết sẽ đi về đâu. Đặc biệt, hai khu vực kinh tế lớn của thế giới là châu Âu và Bắc Mỹ đang chịu tác động khá nặng nề của dịch bệnh dẫn đến tổn thất kinh tế to lớn.
“Thị trường hàng hóa, thị trường chứng khoán thế giới đều đang chịu tác động rõ rệt. Giá dầu tiếp tục giảm sâu. Chỉ số chứng khoán Dow Jones đã “xuyên thủng” mốc 20.000 điểm, có một số phiên phục hồi nhẹ nhưng không chắc chắn. Giá vàng vẫn trong xu hướng giảm. Khi các gói kích thích kinh tế của các chính phủ chưa có tác dụng rõ nét thì diễn biến thị trường sẽ tiếp tục khó lường”, ông Trần Thanh Hải nói.
Điểm đáng chú ý trên thị trường vàng hiện nay là giá vàng trong nước đang cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới, mức chênh lệch đã lên đến khoảng 4,5 triệu đồng/lượng, cao hơn hẳn mức chênh lệch phổ biến hơn 1 triệu đồng/lượng của thời gian trước khi có dịch Covid-19.
Lý giải về mức chênh lệch quá lớn này, theo ông Hải, một phần nguyên nhân là các công ty vàng muốn giữ nguồn vàng do việc nhập khẩu không dễ dàng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.