Ảnh minh họa. |
Thông tin trên tờ VietNamnet cho biết, trước áp lực lao dốc của giá dầu gây giảm thu ngân sách, Bộ Tài chính đang tính toán nhiều phương án đối phó trong đó Bộ đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu sát với mức trần được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với mỗi lít xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít như hiện tại lên mức 4.000 đồng/lít. Dầu diesel sẽ tăng từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng/lít. Dầu madut tăng từ 900 đồng/kg lên 1.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, trong chiều 24/2, lãnh đạo Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, không có đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu như vừa nêu.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh giảm 4 lần liên tiếp về mức 13.750 đồng/lít và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Trong cơ cấu giá xăng đã bao gồm thuế nhập khẩu (20%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng, chi phí định mức 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, mức trích quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít, chiếm tới hơn 50% giá xăng bán lẻ.
Trước đó, từ 1/5/2015, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng đã từng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít đúng thời điểm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng giảm từ 35% xuống còn 20%.
Đại diện Bộ Tài chính từng khẳng định, việc tăng thuế môi trường lên 300% không ảnh hưởng, làm tăng giá bán lẻ xăng dầu mà sẽ bù đắp một phần ngân sách bị thâm hụt và đảm bảo theo đúng các cam kết quốc tế.
Thậm chí, còn cho rằng, mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu giảm do thực hiện theo các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, phép so sánh được Bộ Tài chính đưa ra thay vì tính giá xăng dầu ở 2 thời điểm phải trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường là mức cũ và mức mới để so sánh Bộ Tài chính lại quy tất cả các phép tính trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường mới.