Các chỉ tiêu nguồn nước sông Đuống đều đạt giá trị đủ điều kiện để dùng cho mục đích sinh hoạt. Ảnh: Xuân Yến |
Về nguyên nhân của sự cố này, Công ty CP nước mặt sông Đuống cho biết là do xe tải va vào hố van gây tuột mối nối giữa đường ống xả cặn DN400 với đường ống cấp nước chính DN1600 tại hố van. Sự cố trên cũng không làm vỡ, ảnh hưởng đường ống chính DN1600. Tuy nhiên, Công ty buộc phải tạm thời dừng cấp nước để xử lý và đã hoàn thành trong ngày, không có chuyện đường ống nước bị vỡ và ảnh hưởng đến các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Về tổng mức đầu tư dự án của Nhà máy nước mặt sông Đuống, Công ty này cho biết, tổng mức đầu tư dự án của nhà máy là 4.998 tỷ đồng cho 02 phân kỳ đầu tư đến công suất 300.000 m3/ngày đêm. Trong đó, một số hạng mục đã được đầu tư cho công suất 600.000 m3/ngày đêm, tương đương với công suất Nhà máy nước sông Đà tại thời điểm hiện nay (300.000 m3/ngày đêm).
Trong quá trình triển khai, Dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống còn tiết kiệm, giảm tổng mức đầu tư hơn 2000 tỷ đồng so với với quy hoạch ban đầu.
Theo kế hoạch ban đầu ngày 17/1/2013, Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã được Bộ Xây dựng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) tại Quyết định số 72/QĐ-BXD với tổng mức đầu tư dự án 7.306.174 triệu đồng.
Đây là một trong các Nhà máy nước mặt lớn theo Quy hoạch cấp nước Thủ Đô đã được chính Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 để bổ sung cấp nước cho người dân Thủ đô về phía Đông Bắc, phía Nam Thành phố Hà Nội, đảm bảo an ninh cấp nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước được ổn định, bền vững và lâu dài theo sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư với hệ thống tuyến ống truyền dẫn có đường kính lớn DN800-DN1600 (dài 81km), trải dài qua nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố, qua nhiều vị trí phức tạp đòi hỏi phải xử lý kỹ thuật như tuyến ống qua sông Hồng, sông Đuống, Bắc Hưng Hải và diện tích GPMB lớn.
Về giá bán nước, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cho biết, như nhiều nhà máy nước khác trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận, giá thành sản xuất nước phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, giá bán nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống đang được áp dụng dựa trên quyết định của Thành phố Hà Nội.
Đồ án Quy hoạch cấp nước Thủ Đô đã được Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội và sử dụng nguồn nước mặt từ sông Đuống.
Ông Uwe Dechert cho biết, việc lựa chọn địa điểm xây dựng cũng như nguồn nước sông Đuống để xử lý cung cấp nước sạch cho người dân Thủ Đô đã được nghiên cứu, phân tích kỹ, thể hiện qua các số lần lấy mẫu, quan trắc chất lượng nước, biến đổi dòng nước trong gần 200 năm trở lại đây của Cục Khí tượng & Thủy văn và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Trong quá trình thực hiện Dự án, đơn vị tư vấn đã nhiều lần lấy mẫu và xét nghiệm, các chỉ tiêu nguồn nước sông Đuống đều đạt giá trị giới hạn A1 đủ điều kiện để dùng cho mục đích sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và hiện nay chất lượng nước đầu ra của Nhà máy có thể uống nước tại vòi với một số chỉ tiêu cao hơn QCVN 01-2009 của Bộ Y Tế đang áp dụng cho nước ăn uống.
Về vấn đề bảo vệ nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đều có biện pháp để bảo vệ nguồn nước mặt sông Đuống vì đây là nguồn tài nguyên quý giá, lựa chọn thay thế cho nguồn nước ngầm ngày một ô nhiễm, suy thoái về trữ lượng trên địa bàn Thành phố, đồng thời đáp ứng về lâu dài, ổn định cung cấp nước sạch cho người dân Thủ Đô.
Việc lựa chọn vị trí xây dựng cũng như đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống đã nằm trong Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã được các cơ quan chức năng thẩm định và lựa chọn để đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước lâu dài, bền vững cho người dân Thủ đô đang ngày một thiếu hụt.
“Tại Đồ án Quy hoạch cấp nước Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã phân vùng cấp nước các Nhà máy nước mặt lớn tập trung nhằm đa đạng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân, trong đó Nhà máy nước mặt sông Đà cung cấp tại phía Tây Nam Thành phố Hà Nội, Nhà máy nước mặt sông Đuống cấp nước phía Đông bắc, phía Nam Thành phố để phân vùng, đảm bảo hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh cấp nước cho Thủ đô, chứ không phải thích chọn ai thì chọn”, ông Uwe Dechert nhấn mạnh.